Trao đổi nghiệp vụ

Điều 330 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và Thông tư liên tịch số: 02/2005/TTLT-BCA-VKSTC-TANDTC-BQP-BTP ngày 10/8/2005 của Bộ công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ quốc phòng và Bộ tư pháp "Hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về khiếu nại, tố cáo" (tại phần II, Mục 1, tiểu mục 1.4) quy định: "1. 4. Việc giải quyết khiếu nại phải được thể hiện bằng quyết định và phải có hồ sơ. ...".

Như vậy, về hình thức giải quyết khiếu nại cáo trạng phải là "Quyết định giải quyết khiếu nại". Trường hợp cáo trạng do Phó Viện trưởng ký thì khiếu nại do Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp giải quyết, nếu cáo trạng do Viện trưởng ký ban hành thì do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên giải quyết.

Tại Điều 32 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS năm 2015) (bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự), quy định như sau:

"Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại, cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc của bất cứ cá nhân nào thuộc các cơ quan đó.

Cơ quan, người có thẩm quyền phải tiếp nhận, xem xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, đúng pháp luật; gửi văn bản kết quả giải quyết cho người khiếu nại, tố cáo, cơ quan, tổ chức khiếu nại và có biện pháp khắc phục.

Trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo do Bộ luật này quy định.

Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống người khác".

Đây được coi là một trong những nguyên tắc cơ bản được quy định tại Chương II BLTTHS năm 2015 và được quy định cụ thể tại Chương XXXIII (từ Điều 469 đến Điều 483 của BLTTHS năm 2015).

Tại Điều 469 BLTTHS năm 2015 (người có quyền khiếu nại) quy định như sau:

"1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

2. Đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cáo trạng hoặc quyết định truy tố, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, quyết định của Hội đồng xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm, Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm, Hội đồng xét giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện nếu có khiếu nại, kháng cáo, kháng nghị thì giải quyết theo quy định tại các chương XXI, XXII, XXIV, XXV, XXVI và XXXI của Bộ luật này".

 

So sánh, đối chiếu với các chương, mà tại khoản 2 Điều 469 BLTTHS năm 2015 đã liệt kê (chương XXI, XXII, XXIV, XXV, XXVI, XXXI) lại không có quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết khiếu nại cáo trạng, quyết định truy tố của Viện kiểm sát.

Theo đó, tại Hướng dẫn số 04/HD-VKSTC ngày 05/01/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao "Hướng dẫn công tác kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp năm 2018" tại mục 2 phần II đã hướng dẫn: "Khi tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự, Đơn vị 12 phải căn cứ các quy định về thẩm quyền, thời hiệu, thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Chương XXXIII để phân loại đơn đảm bảo chính xác, xử lý kịp thời, tránh để xảy ra sai sót, chậm trễ, ảnh hưởng đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Thực hiện khoản 2 Điều 469, khiếu nại cáo trạng, quyết định truy tố, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn thì không áp dụng quy định về giải quyết khiếu nại theo Chương XXXIII mà xử lý, giải quyết theo quy định tại các Chương tương ứng. Vì vậy, khi nhận được khiếu nại đối với các quyết định này, Đơn vị 12 chuyển đến đơn vị nghiệp vụ của cấp mình hoặc Viện kiểm sát đã ban hành quyết định đó để xem xét theo hồ sơ vụ án và ban hành công văn trả lời trong trường hợp cần thiết".

Tương tự như vậy, tại Công văn số 877/VKSTC-V12 ngày 08/3/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về Thông báo rút kinh nghiệm về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã hướng dẫn “theo đó, khi nhận được khiếu nại đối với cáo trạng hoặc quyết định truy tố, đơn vị 12 chuyển đến đơn vị nghiệp vụ của Viện kiểm sát cấp mình hoặc Viện kiểm sát đã ban hành cáo trạng đó xem xét theo hồ sơ vụ án và ban hành công văn trả lời trong trường hợp cần thiết”.

Như vậy, theo nội dung hướng dẫn tại các văn bản của Viện kiểm sát nhân dân tối cao nói trên thì:

- Về hình thức giải quyết khiếu nại cáo trạng, quyết định truy tố của Viện kiểm sát là "Công văn trả lời" trong trường hợp cần thiết (điểm khác biệt so với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy địnhphải ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại).

- Về thẩm quyền giải quyết là "Viện kiểm sát đã ban hành cáo trạng, quyết định truy tố"./. 

Tác giả bài viết: Thanh Tú – VKSND huyện Hướng Hóa