Đổi mới phương pháp nghiên cứu hồ sơ án dân sự thông qua sơ đồ hình vẽ

 

Nghiên cứu hồ sơ vụ án là quá trình xem xét, đối chiếu, phân tích các tài liệu có trong hồ sơ vụ án để xác định các vấn đề cần phải xử lý tiếp. Nghiên cứu hồ sơ vụ án đồng thời cũng là quá trình đánh giá các tài liệu đó trong mối quan hệ biện chứng nhằm xâu chuỗi các tình tiết, sự kiện được ghi nhận trong các tài liệu, để xác định bản chất của sự việc, từ đó đề ra hướng giải quyết phù hợp. Vì vậy, việc nắm rõ các kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án là rất quan trọng.

Thực tiễn cho thấy chất lượng nghiên cứu hồ sơ vụ án dân sự có ảnh hưởng nhất định đến chất lượng giải quyết vụ án dân sự. Theo đó nếu việc nghiên cứu hồ sơ được thực hiện nghiêm túc, khoa học thì sẽ nâng cao được chất lượng giải quyết vụ án, ngược lại nếu việc nghiên cứu hồ sơ vụ án được thực hiện qua loa, sơ sài thì chất lượng giải quyết vụ án không cao.

 Chất lượng nghiên cứu hồ sơ vụ án dân sự phụ thuộc vào kỹ năng, phương pháp nghiên cứu hồ sơ của Kiểm sát viên theo đó nếu người nghiên cứu có kỹ năng nghiên cứu tốt và phương pháp nghiên cứu khoa học thì chất lượng nghiên cứu sẽ được nâng cao.

Khi được giao nghiên cứu hồ sơ án dân sự thường nghiên cứu thông qua các bước:

Bước 1: Nghiên cứu về trình tự thủ tục tố tụng mà toà án tiến hành xem đã đảm bảo đúng theo trình tự quy định của pháp luật trong bộ luật tố tụng dân sự không thông qua việc nghiên cứu các biên bản như: biên bản giao nhận đơn khởi kiện giữa đương sự với toà án; biên bản toà án thông báo cho đương sự nộp tiền tạm ứng án phí; thông báo thụ lý vụ án của toà án…Việc nghiên cứu này giúp cho tôi đánh giá được việc toà án thụ lý giải quyết vụ án có đúng thẩm quyền không? thời kiệu khởi kiện vụ án còn hay đã hết (đối với những vụ án dân sự có thời hiệu khởi kiện), trình tự thủ tục toà án tiếp nhận đơn khởi kiện có đúng quy định của pháp luật không…

Bước 2: Tiến hành nghiên cứu việc thu thập tài liệu, chứng cứ có trong vụ án của Thẩm phán đã đảm bảo đúng trình tự theo quy định của điều 97 bộ luật tố tụng dân sự không thông qua việc nghiên cứu các bản tự khai, biên bản lấy lời khai đương sự của thẩm phán; các quyết định định giá, thẩm định giá…từ đó giúp cho tôi đánh giá được nguồn gốc các loại chứng cứ, tính có căn cứ pháp luật của từng loại chứng cứ.

Bước 3: Tiến hành nghiên cứu các yêu cầu của đương sự trong vụ án như: yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan về các vấn đề họ yêu cầu toà án cần giải quyết trong vụ án thông qua đơn khởi kiện, bản khai, biên bản lấy lời khai và các tài liệu liên quan đến vụ án mà đương sự đã cung cấp.

Bước 4: Trích cứu tóm tắt nội dung các phần mà mình đã nghiên cứu sau đó tổng hợp đánh giá lại các tài liệu, chứng cứ có trong vụ án đặt chúng trong mối liên hệ  với nhau để dễ dàng xâu chuỗi các vấn đề có trong vụ án giúp cho việc dự kiến đường lối giải quyết vụ án; bài phát biểu của kiểm sát viên tại phiên toà đúng  theo quy định của pháp luật, không mang tính phiến diện, thiếu khác quan.   

Phương pháp nghiên cứu trên được minh hoạ bằng sơ đồ hình vẽ sau:                                

Nhờ áp dụng phương pháp nghiên cứu hồ sơ bằng sơ đồ hình vẽ nêu trên nên trong thời gian qua bản thân tôi đã tham gia nghiên cứu nhiềuhồ sơ án dân sự mà Viện kiểm sát tham gia phiên toà. Qua nghiên cứu hồ sơ tôi đã tham mưu đường lối giải quyết vụ án; bài dự thảo bài phát biểu của kiểm sát viên tại phiên toà sơ thẩm cho Kiểm sát viên trước lúc tham gia phiên toà đúng theo quy định của pháp luật và được Kiểm sát viên cũng như lãnh đạo đánh giá đạt chất lượng tốt. Nhờ áp dụng phương pháp nghiên cứu hồ sơ thông qua sơ đồ hình vẽ nên việc phát hiện ra sai phạm của Thẩm phán trong quá trình thu thập chứng cứ như: lấy lời khai của đương sự trong vụ án, thẩm định giá tài sản, xác định tư cách tham gia tố tụng của các đương sự trong vụ án…cũng trở nên dễ dàng hơn. Đồng thời giúp cho việc kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án sau khi kết thúc phiên tòa được chính xác hơn.