Tâm sự kiểm sát viên

Ngày 29/6/2018, VKSND tối cao ban hành Quy định về quy trình giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của VKSND

Quy định gồm 8 Chương, 28 Điều, quy định về trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự; cấp phát kinh phí bồi thường; chi trả tiền bồi thường; trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại và quản lý công tác bồi thường nhà nước thuộc trách nhiệm của VKSND.

Quy định này áp dụng đối với các đối tượng: VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện; Kiểm sát viên, kiểm tra viên, công chức của VKSND các cấp được phân công giải quyết bồi thường; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác giải quyết bồi thường nhà nước thuộc trách nhiệm của VKSND. Quy định này không áp dụng đối với việc giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của VKS quân sự các cấp.

Tiếp nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường

VKSND có trách nhiệm giải quyết bồi thường, phân công người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường. Trường hợp người yêu cầu bồi thường trực tiếp nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường, người tiếp nhận hồ sơ ghi vào Sổ tiếp nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường và cấp giấy xác nhận đã nhận hồ sơ cho người yêu cầu bồi thường. Trường hợp hồ sơ yêu cầu bồi thường được gửi qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, người tiếp nhận hồ sơ ghi vào Sổ tiếp nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường và thông báo bằng văn bản về việc nhận hồ sơ cho người yêu cầu bồi thường.

Các tài liệu trong hồ sơ yêu cầu bồi thường

Hồ sơ yêu cầu bồi thường bao gồm các tài liệu phải là bản chính hoặc là bản sao có công chứng, chứng thực của cơ quan có thẩm quyền:

- Văn bản yêu cầu bồi thường được lập theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Quy định này;

- Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường là bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định rõ người bị thiệt hại thuộc một trong các trường hợp được Nhà nước bồi thường quy định tại Điều 35 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;

- Tài liệu chứng minh nhân thân của người bị thiệt hại gồm một trong các giấy tờ sau: chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu, sổ hộ khẩu thường trú, giấy khai sinh, giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người bị thiệt hại cư trú hoặc xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi người bị thiệt hại làm việc;

- Tài liệu chứng minh nhân thân của người yêu cầu bồi thường và chứng minh tư cách là người đại diện hoặc người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại không trực tiếp yêu cầu bồi thường theo quy định tại điểm c khoản này, các điểm b và c khoản 2 Điều 41 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;

- Tài liệu chứng minh các thiệt hại yêu cầu bồi thường;

- Các tài liệu khác liên quan đến yêu cầu bồi thường (nếu có).