Thực hiện nhiệm vụ phát triển thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, các cấp ủy đảng, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã phổ biến, quán triệt đầy đủ nội dung Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008-2012 đến toàn thể cán bộ công chức; đưa nội dung này vào kế hoạch, chương trình công tác hàng năm của Viện kiểm sát nhân dân các cấp. Một số Viện kiểm sát địa phương đã tham mưu cho cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, vận dụng pháp luật góp phần ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Ngày 23/8/2012, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-VKSTC về tăng cường một số biện pháp tuyên truyền trong ngành KSND, giao trách nhiệm cho các cơ quan báo chí, tuyên truyền trong Ngành chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền, tăng cường trách nhiệm của Viện kiểm sát địa phương trong công tác tuyên truyền, đồng thời đã thành lập Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền của ngành Kiểm sát nhân dân do 1 đồng chí Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao làm Trưởng Ban.
Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-VKSTC-TCKS, các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử trong Ngành hoạt động theo hướng chuyên sâu về nội dung, lĩnh vực, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng; thành lập Phòng Truyền hình thuộc Tạp chí Kiểm sát; hàng năm ban hành Kế hoạch công tác tuyên truyền, nhiều Viện kiểm sát nhân dân đã thành lập Tổ tuyên truyền hoạt động rất hiệu quả.
Để tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phục vụ việc tra cứu, tìm hiểu về pháp luật, tình hình chấp hành pháp luật một số đơn vị trực thuộc Viện KSND tối cao và phần lớn Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng, vận hành và triển khai có hiệu quả trang tin điện tử. Ngành KSND có: Trang tin của Viện KSNDTC, Trang tin của Tạp chí kiểm sát, Trang tin của Trường Đại học Kiểm sát; báo Bảo vệ pháp luật điện tử và có 47/63 VKSND tỉnh đã có trang tin điện tử. Có 11VKS tỉnh tổ chức hoạt động trang tin hiệu quả được Viện trưởng Viện KSND tối cao tặng bằng khen.
Năm 2015, toàn Ngành đã lắp đặt và vận hành hệ thống truyền hình trực tuyến đến tận cấp huyện nhằm phục vụ các hội nghị, hội thảo để đông đảo Kiểm sát viên, cán bộ, công chức từ Viện kiểm sát nhân dân tối cao đến Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện được tiếp cận kịp thời những thông tin cần thiết.
Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, 100% các đơn vị cấp vụ Viện KSND tối cao và Viện kiểm sát các tỉnh đã sử dụng hộp thư điện tử nội bộ, ứng dụng khoa học công nghệ thông tin cho hoạt động nghiệp vụ, công tác văn phòng. Việc gửi báo cáo tuần từ các đơn vị trực thuộc Viện KSNDTC và VKSND tỉnh về Văn phòng Viện KSND tối cao được gửi qua hộp thư điện tử đảm bảo đúng thời hạn. Phần lớn các đơn vị, Viện kiểm sát địa phương đã mở hộp thư cá nhân cho cán bộ công chức để gửi tài liệu đảm bảo kịp thời.
Thực hiện cải cách hành chính, nhiều đơn vị, địa phương khuyến khích việc thực hiện gửi văn bản, tài liệu qua mạng nội bộ, nhiều đơn vị thực hiện gửi toàn bộ văn bản, tài liệu qua mạng nội bộ như: Hậu Giang, Vĩnh Phúc, Kiên Giang, Đắk Lắk, Bến Tre, Nghệ An, Yên Bái, Đắc Nông...đảm bảo nhanh chóng, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả.
Viện KSND tối cao tích cực nghiên cứu, xuất bản Tạp chí, Báo, Thông tin khoa học và các ấn phẩm cung cấp thông tin, tri thức về pháp luật cho Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và cán bộ, công chức. Tạp chí kiểm sát phát hành các số chuyên đề về Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi)...xuất bản sách tuyên truyền và hướng dẫn áp dụng pháp luật trong ngành KSND đã chủ trì và phối hợp với các Vụ nghiệp vụ của Viện KSNDTC xuất bản sách như: Trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về tham nhũng trong Bộ luật Hình sự Việt Nam (2007); Học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ chí Minh đối với cán bộ Kiểm sát "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn" (2007)...Báo Bảo vệ pháp luật mở chuyên mục Trên mặt trận đấu tranh phòng, chống ma túy,đăng tải hàng ngàn tin, bài về những vấn đề liên quan đến pháp luật, hoạt động nghiệp vụ của Viện kiểm sát nhân dân các cấp. Viện khoa học Kiểm sát đã phát hành 58 số Thông tin khoa học kiểm sát theo các chuyên đề, nội dung, nhiệm vụ về cải cách tư pháp, phục vụ xây dựng Luật tổ chức Viện KSND (sửa đổi), Bộ luật TTHS (sửa đổi)…liên quan đến tổ chức và hoạt động của ngành KSND; Vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp hình sự biên soạn cuốn Sổ tay hướng dẫn công tác tương trợ tư pháp hình sự, biên dịch cuốn sách Các truyền thống pháp luật so sánh.
Chương trình truyền hình Kiểm sát ra đời năm 2013 đã đáp ứng nhu cầu thông tin của cán bộ công chức trong Ngành cũng như của toàn xã hội tuyên truyền về chức năng, nhiệm vụ của Ngành, hoạt động của Viện KSND, truyền thống của Ngành và hình ảnh tích cực của Kiểm sát viên trong bảo vệ công lý.
Tạp chí Kiểm sát xây dựng nhiều bộ phim tài liệu lịch sử "Bốn mươi lăm năm Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam" và "Nửa thế kỷ xây dựng phát triển của Viện kiểm sát Việt Nam"; chủ trì, phối hợp tổ chức Hội nghị Kiểm sát viên tiêu biểu ngành Kiểm sát nhân dân lần thứ Nhất, lần thứ Hai; tổ chức các cuộc toạ đàm về "Kinh nghiệm bồi dưỡng, tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi trong ngành Kiểm sát nhân dân"; tuyên truyền về việc thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Viện kiểm sát các cấp đã chú trọng tổ chức hoạt động của thư viện phục vụ việc tra cứu sách báo và tài liệu về pháp luật. Một số VKSND tỉnh đã xây dựng và đưa vào tủ sách phòng đọc nhiều sách, tài liệu phục vụ cán bộ, công chức tra cứu, nghiên cứu (Nam Định, Tuyên Quang, Kiên Giang, Thái Bình, Đồng Tháp, Tiền Giang, Hải Phòng, Quảng Trị…). Thư viện của các cơ sở đào tạo của Ngành thường xuyên cập nhật, bổ sung, sách, báo, tạp chí, tài liệu về pháp luật phục vụ giáo viên, học sinh, sinh viên học tập và nghiên cứu. Phần lớn các Viện kiểm sát tỉnh đều đã có “Tủ sách pháp luật”. Một số đơn vị đã tặng “Tủ sách pháp luật” cho các xã vùng cao, tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với đồng bào dân tộc thiểu số như: Lào Cai, Quảng Ninh, Yên Bái.
Trong 10 năm qua, các đơn vị trực thuộc Viện KSND tối cao, Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh đã tích cực tổ chức hàng ngàn cuộc hội thảo, tọa đàm về pháp luật nhằm nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật cho Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và cán bộ, công chức. Điển hình: hội thảo về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của viện kiểm sát nhân dân; Dự Thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi); kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, viết cáo trạng của Kiểm sát viên; Phát biểu của Kiểm sát viên trong phiên tòa;... Vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự phối hợp với Dự án Jica và UNICEEF tại Việt Nam xây dựng, phát hành Sổ tay Kiểm sát viên hình sự (Phần I, II) và cuốn sách “Đánh giá tính tương thích các điều khoản của Bộ luật TTHS về người vi phạm pháp luật hình sự, người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên với các chuẩn mực quốc tế”. Kết quả các Hội thảo, tọa đàm đã có tác động tích cực, giúp lãnh đạo Viện KSND tối cao thể chế hóa nội dung, tinh thần các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong xây dựng pháp luật và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành.
Văn phòng Viện KSND tối cao cập nhật các văn bản pháp luật của Quốc hội, Chính phủ mới ban hành sao gửi các đơn vị, địa phương, để tổ chức thực hiện. Các đơn vị tổ chức phổ biến văn bản mới cho cán bộ, Kiểm sát viên để áp dụng trong thực thi nhiệm vụ. Một số Viện KSND tỉnh hàng tuần, tổ chức phổ biến văn bản mới đến cán bộ công chức, đưa lên trang tin hoặc sao văn bản chuyển đến từng đơn vị để Kiểm sát viên, cán bộ công chức vận dụng thực hiện.
Nhiều Viện kiểm sát nhân dân địa phương đã tích cực tham gia hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật cho nhân dân, học sinh, sinh viên như: Thái Bình phối hợp tổ chức hơn hơn 300 cuộc phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lí; Thái Nguyên 106 chương trình, Hà Nội 104 buổi nói chuyện, 43 buổi giao lưu, Đắk Lắk tổ chức 100 buổi sinh hoạt, Lai Châu tổ chức 40 buổi tuyên truyền…
Viện kiểm sát nhân dân các địa phương tích cực phối hợp với Tòa án tổ chức phiên tòa lưu động nhằm nâng cao ý thức, giáo dục pháp luật cho nhân dân. Trong 10 năm qua, Viện kiểm sát nhân dân các cấp phối hợp với Tòa án cùng cấp tổ chức được 58.094 phiên tòa lưu động. Điển hình là: Hà Nội 6.192 vụ, Tp Hồ Chí Minh 3.548 vụ, Nghệ An 2.715, Quảng Nam 1.825 vụ, Đồng Tháp 1.820 vụ, Đồng Nai 1.467 vụ, Lai Châu 1.415 vụ, Sơn La 1.332 vụ, Vĩnh Phúc 1.320, Bắc Giang 1.253 vụ, Hải Dương 1.218 vụ, Tiền Giang 1.200 vụ, Lâm Đồng 1.175 vụ, Quảng Trị 1.156 vụ, Phú Thọ 1.115 vụ, Thanh Hóa 1.081 vụ …Nhiều phiên tòa được tổ chức ngay tại nơi xảy ra tội phạm, khu dân cư, vùng sâu, vùng xa thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham dự, Kiểm sát viên lồng ghép việc phổ biến những qui định của pháp luật, phòng ngừa tội phạm, có tác dụng giáo dục sâu sắc. VKS tỉnh Gia Lai phối hợp với Tòa án nhân dân, Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức phiên tòa giả định để tuyên truyền cho gần 1.000 học sinh phổ thông.
Thông qua công tác kiểm sát thi hành án dân sự tại Cơ quan thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân đã lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự và các qui định của pháp luật cho đối tượng phải thi hành án để giúp họ hiểu các qui định của pháp luật, từ đó tự nguyện chấp hành.
Khi kiểm sát trực tiếp tại các UBND xã, phường về việc quản lí người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, Kiểm sát viên đã phổ biến, hướng dẫn cho cán bộ cấp xã, phường thủ tục, nội dung, trình tự áp dụng các biện pháp giáo dục đối với đối tượng áp dụng hình phạt trên.
Viện kiểm sát các cấp bố trí Kiểm sát viên có kinh nghiệm để lồng ghép tiếp dân với phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân đến khiếu nại, tố cáo giúp họ nhận thức đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình, thực hiện nghiêm túc việc khiếu nại, tố cáo theo qui định của pháp luật, hạn chế khiếu nại vượt cấp, khiếu kiện đông người.
Chi hội luật gia của Viện KSND các cấp phối hợp với Đoàn thanh niên, các ngành chức năng ở địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; lồng ghép việc tuyên truyền với hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lí; tham gia các chương trình phòng chống tội phạm, phòng, chống ma túy, mại dâm, mua bán người và phòng chống HIV/AIDS.
Nhiều Viện kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp với Tạp chí Kiểm sát, Đài truyền hình địa phương xây dựng phim tài liệu về hoạt động của Viện kiểm sát địa phương, truyền hình trực tuyến về phiên tòa rút kinh nghiệm như: Hà Nội, Lào Cai, Thanh Hóa, Sóc Trăng, Ninh Bình, Nghệ An, Đắk Lắk.
Các đơn vị trực thuộc Viện KSND tối cao, Viện KSND cấp tỉnh tăng cường tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn để nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật cho Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và cán bộ, công chức.Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn là: tp Hồ Chí Minh 163, Đắc Lắc 120, Hải Phòng 80, Hậu Giang 77, Long An 76, Bà Rịa – Vũng Tàu 75, Yên Bái 70, Quảng Ninh 65, Lai Châu 50, Trà Vinh 47, Khánh Hòa 45, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi 30, Bạc Liêu 28, Thanh Hóa 20…
Tạp chí Kiểm sát đãtổ chức các cuộc tập huấn nghiệp vụ báo chí, kỹ năng viết tin bài, chụp ảnh, ứng dụng công nghệ thông tin cho phóng viên, biên tập viên và cộng tác viên trong Ngành. Báo Bảo vệ pháp luật bồi dưỡng trình độ, kĩ năng khai thác công nghệ thông tin, năng lực biên tập và xuất bản báo chí cho phóng viên.
Viện kiểm sát nhân dân các cấp quan tâm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trình độ, kỹ năng khai thác hệ thống công nghệ thông tin, phần mềm cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên. Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu cho lãnh đạo Viện KSND tối cao tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công nghệ thông tin, tăng cường khả năng tiếp cận hệ thống pháp luật qua hệ thống thông tin. Cục thống kê tội phạm và CNTT phối hợp với Trường Đại học Kiểm sát và nhiều Viện kiểm sát tỉnh tổ chức nhiều khóa tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, Kiểm sát viên để phục vụ phát triển hệ thống thông tin tuyên truyền về pháp luật. Nhiều Viện kiểm sát tỉnh đã tổ chức các cuộc thi nhằm nâng cao kĩ năng khai thác, sử dụng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác như: thi Nâng cao trình độ tin học và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin tổ chức tập huấn công tác thống kê, sử dụng phần mềm thống kê, phần mềm quản lý án hình sự ít nhất 1 lần/năm (Hải Dương ,Yên Bái, Quảng Ninh); Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 61 hội nghị, tập huấn bồi dưỡng về kĩ năng khai thác hệ thống công nghệ thông tin; Viện kiểm sát tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp mở lớp đào tạo tin học 10 tuần cho 100 lãnh đạo, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên 2 cấp…
Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ nghiên cứu, xây dựng phần mềm phục vụ hoạt động nghiệp vụ như: phần mềm quản lí án hình sự, dân sự, phần mềm về quản lý dữ liệu tương trợ tư pháp, quản lí công văn, quản lí nhân sự…
Có thể nói công tác phát triển hệ thống thông tin và phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường khả năng tiếp cận hệ thống pháp luật trong ngành Kiểm sát nhân dân 10 năm qua thực sự hiệu quả. Công tác này đã được lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân địa phương đặc biệt quan tâm và nhận được sự phối hợp thực hiện của đội ngũ lãnh đạo, Kiểm sát viên, cán bộ công chức trong toàn Ngành, qua đó nhanh chóng, kịp thời đưa thông tin, văn bản đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thông tin về hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân đến với cán bộ, công chức trong Ngành và các tầng lớp nhân dân.
Qua tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kinh nghiệm, kỹ năng nghiệp vụ và kiến thức về tin học, năng lực nghiệp vụ và ý thức của đội ngũ lãnh đạo, Kiểm sát viên, cán bộ, công chức được nâng lên; các hoạt động nghiệp vụ được thực hiện nhanh chóng, khoa học và hiệu quả hơn, cơ bản các chỉ tiêu nghiệp vụ của Viện kiểm sát đều đạt và vượt qui định, sai sót, vi phạm trong công tác ngày càng được hạn chế.
Trong thời gian tới để phát triển hơn nữa hệ thống thông tin và phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường khả năng tiếp cận hệ thống pháp luật trong toàn Ngành, chúng ta cần phải:
Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành. Tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm về công tác này.
Phối hợp hoạt động thông tin, tuyên truyền với hoạt động nghiệp vụ kiểm sát, lồng ghép với thực hiện các chương trình phòng chống tội phạm, phòng, chống ma túy, xây dựng nông thôn mới...
Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật./.