Đang truy cập: 1629
Hôm nay: 404
Trong tháng: 87,177
Tổng lượt truy cập: 1,371,732
Ban hành Quy tắc ứng xử của Kiểm sát viên
(Kiemsat.vn) - Ngày 20/02, VKSNDTC đã chính thức ban hành Quy tắc ứng xử của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên toà, phiên họp của Toà án. Quy tắc này áp dụng trong toàn Ngành.
Quy tắc ứng xử của Kiểm sát viên gồm 10 điều quy định về việc Kiểm sát viên phải làm, không được làm, cách xưng hô, tác phong, thái độ và các biểu hiện khác mà Kiểm sát viên phải thực hiện, phải tuân theo khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên toà, phiên họp của Toà án.
Kiemsat.vn xin trích dẫn, giới thiệu đến độc giả một vài điểm đáng lưu ý của Quy tắc ứng xử quan trọng này của ngành Kiểm sát.
Những việc Kiểm sát viên không được làm (Điều 5)
Không sử dụng rượu, bia, chất kích thích khác khi thực hiện nhiệm vụ tại phiên toà, phiên họp hoặc trong khoảng thời gian 12 giờ trước khi tham gia phiên toà, phiên họp;
Không phân biệt đối xử về dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, chủng tộc, thành phần, địa vị xã hội, giới tính của người tham gia tố tụng, người tham dự phiên toà;
Không được có hành động chỉ trích, miệt thị, coi thường, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người tranh tụng với Kiểm sát viên, người phản đối quan điểm, ý kiến của Viện kiểm sat, Kiểm sát viên;
Không thực hiện hành vi vượt quá chức trách, nhiệm vụ của mình tại phiên toà, phiên họp;
Không tuỳ tiện cho mượn, cho ghi chép, cho sao chụp vật chứng, tài liệu, trả lời phỏng vấn, cung cấp thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc khi chưa kết thúc phiên toà, phiên họp;
Không thực hiện những việc Kiểm sát viên không được làm theo quy định của Luật tổ chức VKSND và Quy tắc này.
Cách xưng hô của Kiểm sát viên (Điều 6)
Khi xưng hô về bản thân, Kiểm sát viên dùng từ “tôi”; dùng từ “chúng tôi” trong trường hợp có nhiều Kiểm sát viên cùng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên toà, phiên họp; hoặc dùng từ “Viện kiểm sát”, “Kiểm sát viên” bảo đảm cho phù hợp với hoàn cảnh, tình huống.
04 quy định về xưng hô đối với người tiến hành tố tụng
Trong trường hợp vụ án, vụ việc được giải quyết bởi Hội đồng thì Kiểm sát viên dùng cụm từ “thưa Hội Đồng”, “đề nghị Hội đồng” hoặc dùng từ “Hội đồng” cùng với từ chỉ nhiệm vụ của Hội đồng như Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự… trước khi trình bày, phát biểu, đề nghị, kiến nghị.
Trong trường hợp vụ án, vụ việc được giải quyết bởi 01 Thẩm phán thì Kiểm sát viên dùng cụm từ “thưa Thẩm phán chủ trì phiên toà (phiên họp)”, “đề nghị Thẩm phán chủ trì phiên toà (phiên họp)” trước khi trình bày, phát biểu, đề nghị, kiến nghị.
Đối với Thư ký phiên toà, phiên họp, Kiểm sát viên sử dụng cụm từ: “Đề nghị Thư ký phiên toàn (phiên họp), sau đó nêu vấn đề cần đề nghị.
Đối với Thẩm tra viên, Kiểm sát viên dùng cụm từ “đề nghị Thẩm tra viên” cùng với tên họ của Thẩm tra viên sau đó nêu vấn đề cần đề nghị
06 cách xưng hô với người tham gia tố tụng
Đối với bị cáo là cá nhân, Kiểm sát viên sử dụng từ “Bị cáo” hoặc “Bị cáo” kèm theo tên hoặc họ tên của bị cáo. Ví dụ: Bị cáo cho biết… ; hoặc Bị cáo Nguyễn Văn A cho biết… Trường hợp bị cáo là pháp nhân thương mại, Kiểm sát viên sử dụng từ “Bị cáo” hoặc “Bị cáo” cùng với tên đầy đủ của pháp nhân đó.
Đối với người bị kết án, Kiểm sát viên sử dụng từ “Phạm nhân” cùng với họ tên đầy đủ của người đó.
Đối với người bị hại, Kiểm sát viên sử dụng từ “Bị hại” hoặc dùng từ “Bị hại” cùng với họ tên đầy đủ của người đó.
Đối với Luật sư, Kiểm sát viên sử dụng từ “Luật sư” hoặc dùng từ “Luật sư” cùng với họ tên đầy đủ của Luật sư đó.
Đối với người tham gia tố tụng khác là cá nhân, Kiểm sát viên sử dụng từ “anh, chị, ông hoặc bà” hoặc “anh, chị, ông hoặc bà” cùng với tên hoặc họ tên của người đó; nếu là cơ quan, tổ chức thì Kiểm sát viên sử dụng tên đầy đủ của cơ quan tổ chức đó.
Đối với những người tham dự phiên toà, phiên họp, Kiểm sát viên sử dụng cách gọi “thưa cô bác, anh chị và quý vị tham dự phiên toà (phiên họp)”.
Ngoài ra, ban hành kèm Quy tắc ứng xử của Kiểm sát viên này là Phụ lục các phiên toà, phiên họp Viện kiểm sát phải tham gia. Quy tắc ứng xử của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên toà, phiên họp của Toà án có hiệu lực bắt đầu từ 20/02/2017.
Theo: Sơn Tùng - kiemsat.vn
- Ban hành Quy tắc ứng xử của Kiểm sát viên
- Kết quả thực hành tiết kiệm là tiêu chí đánh giá
- Bộ luật hình sự 2015 chính thức có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018
- Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên theo Luật Tố tụng hành chính 2015
- Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo