Các BL TTHS,BL HS...(sửa đổi)

QUỐC HỘI

Luật số:      /2016/QH13

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Dự thảo

ngày 26/02/2016

 

 

 

LUẬT

BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ GIÁO DỤC TRẺ EM (sửa đổi)

Tên mới: LUẬT TRẺ EM

 

         Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

         Quốc hội ban hành Luật trẻ em.

 

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Trẻ em

Trẻ em là người dưới mười tám tuổi.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định các quyền, bổn phận của trẻ em; nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.

Điều 3. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân, gia đình, công dân Việt Nam; cơ quan, tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, cá nhân là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân).

2. Trẻ em là công dân Việt Nam, trẻ em là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, trẻ em là người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam.

Điều 4. Áp dụng điều ước quốc tế về các quyền trẻ em

Trong trường hợp Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của Công ước và các điều ước quốc tế đó.

Điều 5. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và ứng phó các hành vi xâm hại, bạo lực, bóc lột, bỏ mặc trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

2. Phát triển toàn diện trẻ em là sự phát triển cân bằng đồng thời về thể chất, tinh thần và hành vi quan hệ xã hội của trẻ em.

3. Chăm sóc thay thế là việc tổ chức, gia đình, cá nhân nhận trẻ em không còn cha mẹ, trẻ em không được hoặc không thể sống cùng cha mẹ đẻ về chăm sóc, nuôi dưỡng nhằm đảm bảo sự an toàn và lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

4.Người chăm sóc trẻ em là người đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc trẻ em, bao gồm: người giám hộ của trẻ em; người nhận chăm sóc thay thế hoặc người được giao trách nhiệm cùng với cha, mẹ của trẻ em cấp dưỡng, chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

5.Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự và nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, bỏ rơi, bỏ mặc và các hình thức gây tổn hại khác.

6.Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại tình dục, sức khỏe, tính mạng; lăng mạ, xúc phạm danh dự nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.

7. Bóc lột trẻ em là hành vi bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động; trình diễn hoặc sản xuất sản phẩm khiêu dâm; tổ chức, hỗ trợ hoạt động du lịch nhằm mục đích xâm hại tình dục trẻ em; mua, bán, bắt cóc trẻ em; cho, nhận hoặc cung cấp trẻ em để hoạt động mại dâm.

8. Bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em là hành vi của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.

9.Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệtlà trẻ em không thực hiện được quyền sống, quyền học tập, quyền chăm sóc, nuôi dưỡng, quyền được bảo vệ hoặc trẻ em bị xâm hại cần sự chăm sóc, hỗ trợ, can thiệp đặc biệt của Nhà nước, gia đình và xã hội để được an toàn, hòa nhập gia đình, cộng đồng.

10.Giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em là việc xem xét, đánh giá hoạt động của các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các ý kiến, khuyến nghị của trẻ em, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

Điều 6. Nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em

1. Bảo đảm để trẻ em thực hiện được đầy đủ quyền của mình.

2. Không phân biệt đối xử với mọi trẻ em.

3. Bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em trong mọi quyết định, mọi khả năng, hoàn cảnh liên quan đến trẻ em.

4. Tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em.

5. Khi xây dựng pháp luật, chính sách tác động đến trẻ em, phải xem xét ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan; bảo đảm lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện các quyền trẻ em vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, ngành và địa phương.

Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Tước đoạt quyền được sống của trẻ em.

2. Bạo lực, hành hạ, lạm dụng, ngược đãi trẻ em.

3. Xâm hại tình dục trẻ em.

4. Bỏ mặc, bỏ rơi trẻ em.

5. Bóc lột trẻ em.

6. Tổ chức, hỗ trợ trẻ em tảo hôn.

7. Sử dụng, rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; xúc phạm danh dự cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, thầy giáo, cô giáo và những người khác.

8. Cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình.

9. Không cung cấp hoặc che giấu, ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại hoặc trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

10. Kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em vì hoàn cảnh đặc biệt,giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo.

11. Bán, cho hoặc không ngăn chặn trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích có hại cho trẻ em.

12. Cung cấp dịch vụ,sản xuất, sao chép, lưu hành, vận hành, phát tán, sở hữu, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh xuất bản phẩm, đồ chơi, trò chơi và những sản phẩm khác có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em.

13. Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trẻ em không vì lợi ích tốt nhất của trẻ em mà không được sự đồng ý của cha, mẹ, người giám hộ trẻ em và của chính bản thân trẻ em từ đủ bẩy tuổi trở lên.

14. Lợi dụng việc nhận chăm sóc thay thế trẻ em để bóc lột, bạo lực trẻ em; trục lợi cá nhân, hưởng chế độ, chính sách của nhà nước.

15. Đặt cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, độc hại, dễ gây cháy, nổ gần cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hoá, điểm vui chơi, giải trí của trẻ em hoặc đặt cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hoá, điểm vui chơi, giải trí của trẻ em gần cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, độc hại, dễ gây cháy, nổ.

16. Lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, trái quy định của pháp luật cơ sở hạ tầng dành cho việc học tập, vui chơi, giải trí và hoạt động dịch vụ bảo vệ trẻ em.

17. Từ chối, không thực hiện trách nhiệm hoặc thực hiện không đầy đủ, kịp thời việc hỗ trợ, can thiệp, điều trị đối với trẻ em có nguy cơ hoặc đang trong tình trạng nguy hiểm, bị tổn hại tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự.

18. Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Điều 8. Nguồn lực bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em

1. Nhà nước bảo đảm nguồn lực thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, ngành và địa phương.

2. Nhà nước ưu tiên bố trí nguồn lực để bảo đảm thực hiện quyền trẻ em. Tùy từng nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác nhau, Nhà nước có chính sách hỗ trợ phù hợp.

3. Nguồn tài chính cho thực hiện quyền trẻ em bao gồm: ngân sách Nhà nước, viện trợ quốc tế, ủng hộ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài, nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ và các nguồn thu hợp pháp khác.

4. Nhà nước có giải pháp về nhân lực và bảo đảm điều kiện cho việc thực hiện quyền trẻ em;phát triển mạng lưới người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, ưu tiên bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã và vận động nguồn lực để phát triển mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ em tại thôn, ấp, bản, tổ dân phố.

Điều 9. Nội dung quản lý nhà nước về trẻ em

1. Trình cơ quan có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo, tổ chức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về trẻ em.

2. Xây dựng và tổ chức triển khai chiến lược, chính sách, mục tiêu quốc gia về trẻ em.

3. Hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân về biện pháp, quy trình, tiêu chuẩn bảo đảm thực hiện quyền trẻ em theo quy định pháp luật.  

4. Truyền thông, phổ biến kiến thức, kỹ năng và vận động xã hội thực hiện quyền trẻ em và giáo dục pháp luật, chính sách về trẻ em.

5. Xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đội ngũ những người làm công tác bảo vệ trẻ em, người chăm sóc trẻ em và  đội ngũ cộng tác viên trong việc giúp trẻ em thực hiện các quyền trẻ em.

6. Thực hiện thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chính sách về quyền trẻ em; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về các quyền trẻ em theo thẩm quyền; giải quyết và đôn đốc việc giải quyết các ý kiến, khuyến nghị của trẻ em thường xuyên và định kỳ để trả lời cho trẻ em, cho người giám hộ và cho tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em.

7. Thực hiện công tác thống kê, thông tin, báo cáo về tình hình trẻ em và việc thực hiện quyền trẻ em cho các cơ quan chức năng của Nhà nước theo luật định.

8. Hợp tác quốc tế về thực hiện quyền trẻ em.

Điều 10. Các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

1. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt bao gồm: trẻ em mồ côi cả cha và mẹ; trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em không nơi nương tựa; trẻ em khuyết tật; trẻ em nhiễm HIV/AIDS; trẻ em vi phạm pháp luật; trẻ em nghiện ma túy; trẻ em chưa hoàn thành phổ cập giáo dục phải bỏ học kiếm sống; trẻ em bị bạo lực; trẻ em bị bóc lột; trẻ em bị xâm hại tình dục.

2. Chính phủ quy định chi tiết các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để có chính sách hỗ trợ phù hợp.

Điều 11. Tháng hành động vì trẻ em

1. Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức hằng năm từ ngày mồng một đến ngày ba mươi tháng sáu để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em.

2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để chỉ đạo, tổ chức và hướng dẫn thực hiện Tháng hành động vì trẻ em.

 

CHƯƠNG II

CÁC QUYỀN VÀ BỔN PHẬNCỦA TRẺ EM

 

Mục 1

 CÁC QUYỀN CỦA TRẺ EM

 

Điều 12. Quyền sống

Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tối đa các điều kiện cho sự sống còn và phát triển.

Điều 13. Quyền được khai sinh, có họ, tên và có quốc tịch

Trẻ em có quyền được khai sinh, có họ, tên và có quốc tịch, được xác định cha, mẹ, dân tộc, giới tính theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Quyền được chăm sóc sức khỏe

Trẻ em có quyền được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, được tiếp cận và sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh.

Điều 15. Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng

Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và hành vi quan hệ xã hội.

Điều 16. Quyền được học tập, giáo dục

Trẻ em có quyền được học tập, được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được giáo dục để phát triển toàn diện và phát huy tối đa tiềm năng của bản thân.

Điều 17. Quyền được vui chơi, giải trí, phát triển năng khiếu

Trẻ em có quyền được vui chơi, giải trí,phát triển năng khiếu; được bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với lứa tuổi.

Điều 18. Quyền được giữ gìn, phát huy bản sắc

1. Trẻ em có quyền được tôn trọng đặc điểm và giá trị riêng của bản thân, được thừa nhận quốc tịch, họ tên và các quan hệ gia đình.

2. Trẻ em có quyền dùng tiếng nói, chữ viết; giữ gìn bản sắc, phát huy truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc mình.

Điều 19. Quyền được tự do tín ngưỡng, tôn giáo

 Trẻ em có quyền được tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào và phải bảo đảm phù hợp với sự phát triển của trẻ em.

Điều 20. Quyền có tài sản

Trẻ em có quyền sở hữu, thừa kế và các quyền khác đối với tài sản riêng và được Nhà nước bảo hộ theo quy định pháp luật.

Điều 21. Quyền bí mật đời sống riêng tư

1. Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, chỗ ở.

2. Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật về an toàn thông tin riêng tư.

Điều 22. Quyền được sống chung với cha, mẹ

Trẻ em có quyền được sống chung với cha, mẹ; được biết cha, mẹ đẻ của mình, trừ khi ảnh hưởng đến lợi ích tốt nhất của trẻ em; được cả cha và mẹ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, trừ trường hợp việc cách ly cha, mẹ theo quy định pháp luật hoặc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Khi phải cách ly, trẻ em được trợ giúp để duy trì mối liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ, gia đình trừ trường hợp không vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Điều 23. Quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ

Trẻ em có quyền được duy trì mối liên hệ hoặc tiếp xúc đều đặn với cả cha và mẹ khi trẻ em, cha, mẹ cư trú ở các quốc gia khác nhau hoặc khi bị giam giữ, trục xuất; được tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất cảnh, nhập cảnh vì mục đích đoàn tụ với cha, mẹ; được bảo vệ không bị đưa ra nước ngoài trái quy định của pháp luật; được cung cấp thông tin khi cha, mẹ bị mất tích.

Điều 24. Quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi

1. Trẻ em là công dân Việt Nam được chăm sóc thay thế khi trẻ em bị mất môi trường gia đình vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

2. Trẻ em là công dân Việt Nam được nhận làm con nuôi theo quy định của pháp luật, bảo đảm cho trẻ em được sống trong môi trường gia đình.

Điều 25. Quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục

Trẻ em có quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục, không bị ép tham gia vào hoạt động mại dâm và khiêu dâm dưới mọi hình thức.

Điều 26. Quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động

Trẻ em có quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động;không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách vàsự phát triển toàn diện của trẻ em.

Điều 27. Quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ mặc, bỏ rơi

Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ mặc, bỏ rơi, làmtổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Điều 28. Quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy

Trẻ em có quyền được bảo vệ khỏi mọi hình thức sử dụng, sản xuất, vận chuyển, mua, bán, tàng trữ trái phép chất ma túy.

Điều 29. Quyền được bảo vệ để không bị bắt cóc và mua, bán

Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị mua, bán, bắt cóc, đánh tráo và chiếm đoạt.

Điều 30. Quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính

Trẻ em có quyền được bảo vệ trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm quyền bào chữa, trợ giúp pháp lý, được trình bày ý kiến, không bị tước quyền tự do trái pháp luật, không bị tra tấn, truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể, gây áp lực về tâm lývà các hình thức xâm hại khác.

Điều 31. Quyền được bảo vệ khi gặp thiên tai, thảm họa, xung đột vũ trang

Trẻ em có quyền được ưu tiên bảo vệ, trợ giúpdưới mọi hình thứcđể thoát khỏi tác động của thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang.

Điều 32. Quyền được bảo đảm an sinh xã hội

Trẻ em là công dân Việt Nam được bảo đảm an sinh xã hội theo quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội nơi trẻ em sinh sống và điều kiện của cha, mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em.

Điều 33. Quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội

Trẻ em có quyền được tiếp cận thông tin đầy đủ, kịp thời, phù hợp; có quyền tìm kiếm, thu nhận các thông tin dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật và được tham gia hoạt động xã hội phù hợp với lứa tuổi, mức độ trưởng thành, nhu cầu, năng lực của trẻ em.

Điều 34. Quyền được bày tỏ ý kiến và được kết bạn, hội họp

Trẻ em có quyền được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em, được tự do kết bạn,hội họp,phù hợp với lứa tuổi, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em; được các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân lắng nghe, tiếp thu, phản hồi các ý kiến, nguyện vọng chính đáng.

Điều 35. Quyền của trẻ em khuyết tật

Trẻ em khuyết tật được hưởng đầy đủ các quyền của người khuyết tật theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ, chăm sóc, giáo dục đặc biệt để phục hồi chức năng, phát triển khả năng tự lực và hòa nhập xã hội.

Điều 36. Quyền của trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn

Trẻ em không quốc tịch cư trú tại Việt Nam, trẻ em lánh nạn, tị nạn được bảo vệ và hỗ trợ nhân đạo, được tìm kiếm cha, mẹ, gia đình theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

 

Mục 2

BỔN PHẬN CỦA TRẺ EM

 

Điều 37. Bổn phận của trẻ em trong gia đình

1.Kính trọng, lễ phép, hiếu thảo với ông, bà, cha, mẹ; yêu thương, quan tâm, chia sẻ tình cảm, nguyện vọng với cha, mẹ và các thành viên trong gia đình.

2. Sinh hoạt, học tập, rèn luyện, gìn giữ nền nếp gia đình, phụ giúp cha mẹ và các thành viên trong gia đìnhnhững công việc phù hợp lứa tuổi, giới tính và sự phát triểncủa trẻ em.

Điều 38. Bổn phận của trẻ em trong nhà trường, cơ sở giáo dục

1. Tôn trọng thầy cô, cán bộ, nhân viên của nhà trường, cơ sở giáo dục.

2. Thương yêu, đoàn kết, chia sẻ khó khăn, tôn trọng, giúp đỡ bạn bè.

3. Rèn luyện ý thức tự học, thực hiện nhiệm vụ học tập, rèn luyện theo chương trình, kế hoạch giáo dục của nhà trường, cơ sở giáo dục.

4. Giữ gìn, bảo vệ tài sản và chấp hành đầy đủ nội quy, quy định của nhà trường, cơ sở giáo dục.

Điều 39. Bổn phận của trẻ em đối với cộng đồng, xã hội

1. Tôn trọng, lễ phép với người lớn tuổi; yêu thương, giúp đỡ người già, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người gặp hoàn cảnh khó khăn phù hợp với khả năng, sức khỏe, độ tuổi của mình.

2. Tôn trọng quyền, danh dự, nhân phẩm của người khác; chấp hành quy định về an toàn giao thông và trật tự xã hội; biết bảo vệ, giữ gìn và sử dụng tài sản, tài nguyên, môi trường phù hợp với hoàn cảnh và độ tuổi của trẻ em.

Điều 40. Bổn phận của trẻ em đối với quê hương, đất nước

1. Tôn trọng truyền thống lịch sử dân tộc; giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của quê hương, đất nước.

2. Tuân thủ và chấp hành pháp luật; đoàn kết, hợp tác, giao lưu với bạn bè, trẻ em quốc tế, phù hợp từng giai đoạn phát triển và độ tuổi của trẻ em.

Điều 41.Bổn phận của trẻ em với bản thân

1. Có trách nhiệm với bản thân; không hủy hoại thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản của bản thân.

2. Sống trung thực, khiêm tốn; giữ gìn vệ sinh, rèn luyện thân thể.

3. Chăm chỉ học tập, không tự ý bỏ học, không rời bỏ gia đình sống lang thang.

4. Không đánh bạc, không mua, bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích khác có hại cho sức khoẻ.

5. Không sử dụng, trao đổi văn hoá phẩm có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; không sử dụng đồ chơi hoặc chơi trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh.

 

                                                              CHƯƠNG III

                         CHĂM SÓC VÀ GIÁO DỤC TRẺ EM

 

Điều 42. Bảo đảm về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em

1. Nhà nước có chính sách trợ cấp, trợ giúp, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn để thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng với từng nhóm trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

2. Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia trợ giúp, chăm sóc trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ về đất đai, thuế, tín dụng cho tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật.

Điều 43. Bảo đảm về chăm sóc sức khỏe trẻ em

1. Nhà nước bảo đảm thực hiện các biện pháp theo dõi sức khỏe định kỳ cho phụ nữ mang thai và trẻ em theo độ tuổi; chăm sóc dinh dưỡng, sức khỏe ban đầuvà tiêm chủngcho trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục phù hợp với độ tuổi trẻ em theo quy định của pháp luật.

2. Ưu tiên tư vấn, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước và độ tuổi, đối tượng trẻ em, đặc biệt là phụ nữ mang thai, trẻ em dưới ba mươi sáu tháng tuổi và trẻ em bị xâm hại.

          3. Nhà nước có chính sách, biện pháp tư vấn, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; giảm tỷ lệ tử vong trẻ em, đặc biệt là tử vong trẻ sơ sinh; xóa bỏ những phong tục, tập quán có hại, ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em.

4.Nhà nước đóng, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho trẻ em theo độ tuổi, nhóm đối tượng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ và theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

          5. Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân ủng hộ, đầu tư nguồn lực để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, ưu tiên trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

6. Nhà nước có chính sách, biện pháp để trẻ em được tiếp cận nguồn nước an toàn và điều kiện vệ sinh cơ bản. Chính phủ quy định chi tiết khoản này.

Điều 44. Bảo đảm về giáo dục cho trẻ em

1. Nhà nước có chính sách hỗ trợ, bảo đảm mọi trẻ em được đi học, giảm thiểu tình trạng trẻ em bỏ học; có chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật, trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em đang sinh sống tại các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tiếp cận giáo dục phổ cập, giáo dục hòa nhập, được học nghề và giới thiệu việc làm phù hợp với lứa tuổi và pháp luật về lao động.

2. Nhà nước ưu tiên đầu tư cho giáo dục, bảo đảm công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi trẻ em, có chính sách miễn, giảm học phí cho từng nhóm trẻ em.

3. Chương trình, nội dung giáo dục phải phù hợp với từng lứa tuổi trẻ em, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện cho trẻ em và yêu cầu hội nhập; chú trọng giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc và phát triển nhân cách, khả năng, tài năng của trẻ em.

4. Nhà nước quy định tiêu chuẩn trường học, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường.

5. Nhà nước có chính sách phù hợp để phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi và hỗ trợ để trẻ em trong độ tuổi được giáo dục mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ; khuyến khích, thu hút các nguồn đầu tư khác để phát triển giáo dục, đào tạo.

Điều 45. Bảo đảm điều kiện vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch cho trẻ em

1. Nhà nước có chính sách hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn hóa nghệ thuật; phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở  cho trẻ em; có chính sách ưu tiên trẻ em khi sử dụng dịch vụ vui chơi, giải trí, thể thao, du lịch và tham quan di tích, thắng cảnh.

2. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bố trí quỹ đất, đầu tư xây dựng điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao cho trẻ em; bảo đảm điều kiện, thời gian thích hợp để trẻ em được tham gia hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

3. Nhà nước bảo đảm điều kiện để trẻ em giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, văn hóa tốt đẹp và được sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình.

4. Nhà nước khuyến khích tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia ủng hộ, đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ trẻ em vui chơi, giải trí; khuyến khích sáng tạo, sản xuất đồ chơi, trò chơi an toàn, lành mạnh, mang bản sắc văn hóa dân tộc cho trẻ em; có biện pháp giảm thiểu tác hại của đồ chơi, trò chơi độc hại đối với trẻ em.

Điều 46. Bảo đảm thông tin, truyền thông cho trẻ em

1. Nhà nước bảo đảm trẻ em được tiếp cận thông tin, được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, được tìm hiểu, học tập, trao đổi kiến thức qua các kênh thông tin, truyền thông; bảo vệ trẻ em khỏi những thông tin có hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.

2. Các cơ quan thông tin, xuất bản phải dành nội dung, thời lượng đăng tải, tỷ lệ ấn phẩm phù hợp cho trẻ em; thông tin, xuất bản phẩm, đồ chơi, trò chơi chương trình phát thanh, truyền hình, nghệ thuật, điện ảnh có nội dung không phù hợp với trẻ em phải thông báo hoặc ghi rõ tuổi trẻ em không được sử dụng.

3. Nhà nước khuyến khích phát triển thông tin, truyền thông phù hợp với sự phát triển toàn diện của trẻ em; sản xuất, đăng tải nội dung, thông tin với thời lượng thích hợp để đáp ứng nhu cầu về ngôn ngữ của trẻ em thuộc nhóm dân tộc thiểu số.

 

CHƯƠNG IV

BẢO VỆ TRẺ EM

 

Điều 47. Các yêu cầu bảo vệ trẻ em

1. Bảo vệ trẻ em được thực hiện theo ba cấp độ: phòng ngừa để ngăn chặn nguy cơ gây tổn hại; hỗ trợ để giảm thiểu, kịp thời loại bỏ nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; can thiệp trực tiếp và trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

2. Bảo vệ trẻ em phải bảo đảm tính hệ thống, tính liên tục, có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách và cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.

3. Cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Việc bảo vệ trẻ em phải tuân thủ các quy định pháp luật, quy trình, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

4. Các biện pháp bảo vệ trẻ em được thực hiện chủ yếu tại gia đình hoặc gia đình nhận chăm sóc thay thế; đưa trẻ em vào cơ sở trợ giúp xã hội chỉ là biện pháp tạm thời khi các hình thức chăm sóc thay thế khác không thực hiện được hoặc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

          5. Cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em phải được cung cấp thông tin, được tham gia ý kiến với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc ra quyết định can thiệp, hỗ trợ để bảo vệ trẻ em.

6. Coi trọng phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em; kịp thời, can thiệp, giải quyết để giảm thiểu hậu quả; tích cực hỗ trợ để phục hồi, tái hòa nhập cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

 

Mục 1

 CÁC CẤP ĐỘ BẢO VỆ TRẺ EM

 

Điều 48. Bảo vệ trẻ em cấp độ phòng ngừa

1. Cấp độ phòng ngừa gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với cộng đồng, gia đình và mọi trẻ em nhằm trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức về bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em, giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị xâm hại hoặc rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

2. Các biện pháp bảo vệ trẻ em cấp độ phòng ngừa gồm:

a) Tuyền truyền, phổ biến cho cộng đồng, gia đình và mọi trẻ em về mối nguy hiểm và hậu quả của các yếu tố, hành vi gây tổn hại, xâm hại trẻ em; về trách nhiệm phát hiện, thông báo trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi;

b) Cung cấp thông tin, trang bị kiến thức cho cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người làm việc trong các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em về trách nhiệm bảo vệ trẻ em, kỹ năng phòng ngừa, phát hiện các yếu tố, hành vi gây tổn hại, xâm hại trẻ em;

c) Trang bị kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ để bảo đảm trẻ em được an toàn;

d) Giáo dục, tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho mọi trẻ em;

đ) Hỗ trợ cộng đồng dân cư xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện với trẻ em, xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.

Điều 49. Bảo vệ trẻ em cấp độ hỗ trợ

1. Cấp độ hỗ trợ gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi hoặc trẻ em bị rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nhằm kịp thời phát hiện, giảm nhẹ hoặc loại bỏ nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em.

2. Các biện pháp bảo vệ trẻ em cấp độ hỗ trợ gồm:

a) Cảnh báo về nguy cơ trẻ em bị xâm hại; tư vấn kiến thức, kỹ năng, biện pháp can thiệp loại bỏ hoặc giảm thiểu nguy cơ xâm hại trẻ em cho cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người làm việc trong các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và trẻ em nhằm tạo lập lại môi trường sống an toàn cho trẻ em có nguy cơ bị xâm hại;

b) Tiếp nhận thông tin, đánh giá mức độ nguy hại, áp dụng các biện pháp cần thiết để hỗ trợ trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi nhằm loại bỏ hoặc giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi;

c) Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định tại khoản 1, Điều 44 của Luật này.

d) Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và gia đình của trẻ em được tiếp cận chính sách trợ giúp xã hội và các nguồn trợ giúp khác nhằm cải thiện điều kiện sống cho trẻ em.

Điều50.Bảo vệ trẻ em cấp độ can thiệp

1. Cấp độ can thiệp bao gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với trẻ em và gia đình trẻ em bị xâm hại, nhằm ngăn chặn hành vi xâm hại; hỗ trợ chăm sóc phục hồi, tái hòa nhập cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

2. Các biện pháp bảo vệ trẻ em cấp độ can thiệp:

a) Chăm sóc y tế, trị liệu tâm lý, phục hồi thể chất và tinh thần cho trẻ em bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần can thiệp;

b) Bố trí nơi tạm trú an toàn, cách ly trẻ em khỏi môi trường, đối tượng đe dọa hoặc đang có hành vi bạo lực, bóc lột trẻ em;

c) Bố trí chăm sóc thay thế tạm thời hoặc lâu dài cho trẻem theo quy định tại khoản 2, Điều 62 của Luật này;

d) Đoàn tụ gia đình, hòa nhập trường học, cộng đồng cho trẻ em bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi;

đ) Tư vấn, cung cấp kiến thức cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, các thành viên gia đình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt về trách nhiệm và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc, giáo dục hòa nhập cho trẻ em thuộc nhóm đối tượng này;

e) Tư vấn, cung cấp kiến thức pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt;

g) Các biện pháp hỗ trợ trẻ em bị xâm hại và gia đình của trẻ em quy định tại điểm c và d khoản 2 Điều 48 của Luật này;

h) Theo dõi, đánh giá sự an toàn của trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Điều 51. Trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin về hành vi xâm hại trẻ em

1.Cơ quan, tổ chức, gia đình,cá nhân có trách nhiệm tố giác hành vi xâm hại trẻ em, thôngbáocác trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi đếncơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiếp nhận và xử lý thông tin.

  2.Cơ quan lao động - thương binh và xã hội, cơ quan công an, ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác; phối hợp xác minh, đánh giá, điều tra về hành vi xâm hại, tình trạng mất an toàn hoặc gây tổn hại, mức độ nguy cơ gây tổn hại đối với trẻ em.

3. Chính phủ thiết lập tổng đài điện thoại quốc gia thường trực để tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em.

Điều 52. Kế hoạch hỗ trợ, can thiệp

1. Kế hoạch hỗ trợ, can thiệp được xây dựng để tổ chức thực hiện một hoặc nhiều biện pháp ở cấp độ hỗ trợ, cấp độ can thiệp quy định tại Điều 48, Điều 49 Luật này áp dụng với từng trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. 

2. Ủy ban nhân dâncấp xã nơi trẻ em cư trú chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em để tổ chức xây dựng, phê duyệt, triển khai kế hoạch hỗ trợ, can thiệp; bố trí nguồn lực, phân công cá nhân, tổ chức thực hiện, phối hợp thực hiện và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch.

3. Đốivới trường hợp trẻ em bịxâm hại, có nguy cơ bịbạo lực, bóc lột, bỏ rơibởi cha, mẹ, người chămsóc trẻ em; trẻ em bị xâm hại đã được hỗ trợ, can thiệp nhưng chưa bảo đảm an toàn; trẻ em bị xâm hại nhưng cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em từ chối thực hiện kế hoạch thì cơ quanlao động - thương binh và xã hội cấp huyện yêu cầu Tòa án cùng cấp ra quyết định hạn chế quyền của cha,mẹ, người chăm sócđối với trẻ em hoặc tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế.

4. Chính phủ quy định chi tiết về trách nhiệm, quy trình, thủ tục xây dựng, thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bịbạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Điều 53. Trách nhiệm của người làm công tác bảo vệtrẻ emcấp xã

1. Đánh giá nguy cơ và xác định các nhu cầu của trẻ emcần được bảo vệ.

2. Tham gia quá trình xây dựngvà thực hiệnkế hoạch can thiệp, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi.

3. Tư vấn, cung cấpthông tin, hướng dẫntrẻ em và cha,mẹ, người chăm sóc trẻ em tiếp cận dịch vụ can thiệp, hỗ trợbảo vệ trẻ em, trợ giúp xã hội, y tế, giáo dục, pháp lý và các nguồn trợ giúp khác.

4. Bồi dưỡng, tư vấn kiến thức, kỹ năngbảo vệ trẻ emcho trẻ em, cha,mẹ, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình, cộng đồng.

5.Kiến nghịbiện pháp chăm sóc thay thếvà theo dõi quá trình thực hiện.

6. Hỗ trợ trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em là nạn nhân, người làm chứng trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính, tái hòa nhập cộng đồng..

        Điều 54. Bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng

1. Trẻ emkhi tham giamôi trường mạng được cơ quan, tổ chứcliênquan giáo dục và bảo vệdưới mọi hình thức; cha, mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng.

2. Cơ quan, tổ chức quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trong môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và quyền riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật.

3. Chính phủ quy định chi tiết hình thức, biện pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và có hình thức xử lý thích đáng, kịp thời đối tượng xâm hại tính mạng, danh dự, nhân phẩm trẻ em trên môi trường mạng.

 

Mục 2

CƠ SỞ CUNG CẤP DỊCH VỤ BẢO VỆ TRẺ EM

 

Điều 55. Đăng ký hoạt động của cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em

1. Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em là cơ sở do cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập; có chức năng, nhiệm vụ thực hiện hoặc phối hợp, hỗ trợ thực hiện một hoặc một số biện pháp bảo vệ trẻ em theo từng cấp độ: phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp được quy định tại Điều 48, Điều 49 và Điều 50 của Luật này.

2. Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký hoạt động khi đáp ứng các điều kiện sau:

a) Có tôn chỉ, mục đích hoạt động vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em; có nội dung hoạt động nhằm thực hiện một hoặc nhiều biện pháp bảo vệ trẻ em quy định tại Điều 48, Điều 49 và Điều 50 của Luật này;

b) Có người đại diện là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức, am hiểu về trẻ em và bảo vệ trẻ em; không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính về các hành vi xâm hại trẻ em;

c) Có cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn tài chính, nguồn nhân lực đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu, phạm vi hoạt động.

d) Tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

3. Đối với cơ sở có một phần chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, phải bảo đảm quy định tại khoản 2 Điều này và đăng ký cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Điều 56. Các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em

1. Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em được tổ chức theo loại hình cơ sở công lập và cơ sở ngoài công lập.

2. Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em gồm:

a) Cơ sở có chức năng, nhiệm vụ chuyên biệt cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em;

b) Cơ sở có một phần chức năng nhiệm vụ cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.

3. Chính phủ quy định chi tiết chức năng, nhiệm vụ, quy trình, tiêu chuẩn và việc thành lập, giải thể các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.

Điều 57. Hoạt động của cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em

1. Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em hoạt động theo nội dung đã đăng ký và bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Các yêu cầu quy định tại Điều 47 của Luật này;

b) Chịu sự hướng dẫn,thanh tra,kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Bảo mật thông tin liên quan đến trẻ bịxâm hại vì lợi ích tốt nhất của trẻem, trừ trường hợpphảicung cấp thông tin để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý đối tượng xâm hạitrẻ emhoặc để can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại.

2. Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em được tiếp nhận hỗ trợ tài chính, hiện vật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em.

Điều 58. Việc đình chỉ, chấm dứt hoạt động đối với cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em

1. Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em vi phạm một trong các nội dung sau  thì bị đình chỉ hoặc chấm dứt hoạt động; đình chỉ hoặc chấm dứt một phần hoạt động tùy theo tính chất, mức độ vi phạm:

a) Không bảo đảm điều kiện hoạt động;

b) Vi phạm nghiêm trọng quyền của trẻ em;

c) Sử dụng kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất sai mục đích.

2. Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em sẽ bị chấm dứt hoạt động hoặc chấm dứt một phần hoạt động khi hết thời hạn đình chỉ mà không khắc phục được nguyên nhân và hậu quả dẫn đến việc bị đình chỉ.

3. Chính phủ quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục đình chỉ, chấm dứt hoạt động của cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và các hình thức xử lý tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.

Điều 59. Quản lý nhà nước đối với cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.

2. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em trực thuộc ngành quản lý; thực hiện kiểm tra, thanh tra, bảo đảm mọi cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em trực thuộc được tổ chức và hoạt động đúng mục đích, tuân thủ pháp luật.

3. Ủy ban nhân dân các cấp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch chung các loại cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em trên địa bàn bảo đảm phù hợp với nhu cầu thực tế; thực hiện kiểm tra, thanh tra, bảo đảm mọi cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em trên địa bàn được tổ chức và hoạt động đúng mục đích, tuân thủ pháp luật.

 

Mục 3

CHĂM SÓC THAY THẾ

 

Điều 60. Các yêu cầu đối với việc thực hiện chăm sóc thay thế

Việc chăm sóc thay thế cho trẻ em phải đáp ứng các yêu cầu sau:

1. Phải dựa trên nhu cầu, hoàn cảnh, giới tính, dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ của trẻ em và bảo đảm quyền trẻ em.

2. Bảo đảm an toàn cho trẻ em, bảo đảm ổn định, liên tục và gắn kết giữa trẻ em với người chăm sóc.

3. Phải xem xét ý kiến, nguyện vọng, tình cảm, thái độ của trẻ em tùy theo lứa tuổi và mức độ trưởng thành của trẻ em; trường hợp trẻ em từ đủ bảy tuổi trở lên phải lấy ý kiến của trẻ em.

4. Ưu tiên trẻ em được chăm sóc thay thế bởi người thân thích. Trường hợp trẻ em có anh, chị, em ruột thì được ưu tiên sống cùng nhau.

5. Bảo đảm duy trì liên lạc và đoàn tụ giữa trẻ em với cha, mẹ, các thành viên trong gia đình khi đủ điều kiện, trừ trường hợp việc liên lạc và đoàn tụ này không an toàn và không vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Điều 61. Các hình thức chăm sóc thay thế

1. Chăm sóc thay thế bởi người thân thích.

2. Chăm sóc thay thế bởi cá nhân, gia đình không phải là người thân thích.

3. Chăm sóc thay thế bằng hình thức nhận con nuôi.

Việcnuôi con nuôi và hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi được thực hiện theo quy định của pháp luật về nuôi con nuôi.

4. Chăm sóc thay thế tại các cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc trẻ em.

Điều 62. Các trường hợp trẻ em cần chăm sóc thay thế

1. Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em không nơi nương tựa.

2. Trẻ em không thể sống cùng cha, mẹ vì sự an toàn của trẻ em; cha, mẹ không có năng lực bảo vệ trẻ em hoặc chính là thủ phạm xâm hại trẻ em.

3. Trẻ em bị ảnh hưởng của thiên tai, thảm họa, xung đột vũ trang cần được ưu tiên bảo vệ.

Điều 63. Điều kiện chăm sóc thay thế

1. Việc quyết định giao chăm sóc thay thế phải bảo đảm các yêu cầu quy định tại Điều 60 của Luật này và đáp ứng điều kiện sau:

a) Được sự đồng ý bằng văn bản của người giám hộ đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 62 của Luật này;

b) Việc cho, nhận chăm sóc thay thế đối với trẻ em còn cả cha và mẹ hoặc chỉ còn cha hoặc mẹ nhưng không thể nuôi dưỡng trẻ em phải được sự đồng ý bằng văn bản của cha hoặc mẹ, trừ trường hợp trẻ em được áp dụng biện pháp can thiệp bảo vệ trẻ em được quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 50 và khoản 3 Điều 52 của Luật này hoặc khi cha, mẹ bị hạn chế quyền của cha, mẹ theo Luật Hôn nhân và Gia đình.

2. Cá nhân, người đại diện gia đình nhận chăm sóc thay thế phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện sau:

a) Là người cư trú tại Việt Nam; có sức khỏevà có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có tư cách đạo đức tốt; không bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên; không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chínhvề các hành vi xâm hại trẻ em; không thuộc đối tượng chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của người khác, ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình,dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em;

b) Cóchỗ ởvà điều kiện kinh tếphù hợp, bảo đảmchăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻem;

c) Tự nguyện nhận chăm sóc trẻ em; có sự đồng thuận giữa các thành viên trong gia đình về việc nhận trẻ em;

d) Người thân thích nhận trẻ em chăm sóc thay thế phải là người thành niên; các trường hợp khác phải hơn trẻ em từ hai mươi tuổi trở lên.

3. Nhà nước khuyến khích các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân hỗ trợ về tinh thần và vật chất để trợ giúp trẻ em thuộc nhóm cần chăm sóc thay thế.

Điều 64. Trách nhiệm, quyền lợi của người nhận chăm sóc thay thế

1. Trách nhiệm của người nhận chăm sóc thay thế:

a) Bảo đảm điều kiệnđể trẻ em đượcsống an toàn, thực hiện đầy đủ các quyền của mình phù hợp với điều kiện của người chăm sóc thay thế;

b) Định kỳ sáu tháng một lần phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về tình hình trẻ em và các vấn đề phát sinh.

2. Quyền lợi của người nhận chăm sóc thay thế:

a) Được Nhà nước tạo điều kiện vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm để ổn định cuộc sống, chăm sóc sức khỏe khi gặp khó khăn;

b) Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật và được nhận hỗ trợ của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân để thực hiện việc chăm sóc thay thế.

Điều 65. Đăng ký nhận chăm sóc thay thế

1.  Cá nhân, người đại diện gia đình có nguyện vọng và đủ điều kiện nhận trẻ em chăm sóc thay thế theo quy định tại Điều 62 của Luật này đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú.  

          2. Ủy ban nhân dân cấp xã lập danh sách cá nhân, người đại diện gia đình đăng ký nhận chăm sóc thay thế có đủ điều kiện và gửi tới cơ quan lao động - thương binh và xã hội cấp huyện.

          3. Cơ quan lao động - thương binh và xã hội cấp huyện có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc quản lý danh sách, điều phối việc lựa chọn cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế trên địa bàn khi có trường hợp trẻ em cần chăm sóc thay thế.

4. Người thân thích của trẻ em khi nhận chăm sóc thay thế không phải đăng ký theo quy định tại khoản 1Điều này nhưng phải thông báo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú để ra quyết định giao chăm sóc thay thế.

5. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn quy trình, thủ tục đăng ký, lập danh sách, điều phối việc lựa chọn cá nhân, người đại diện gia đình nhận chăm sóc thay thế.

Điều 66. Thẩm quyền quyết định chăm sóc thay thế

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định giao trẻ em cho cá nhân, người đại diện gia đình chăm sóc thay thế trên cơ sở xem xét các điều kiện quy định tại Điều 62 của Luật này.

Trong trường hợp trẻ em được nhận chăm sóc thay thế không có người giám hộ đương nhiên theo quy định của pháp luật và người nhận chăm sóc thay thế đồng ý, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định cử người chăm sóc thay thế là người giám hộ cho trẻ em.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao trẻ em cho cơ sở trợgiúp xã hội chăm sóc trẻ emthuộc cấp huyện quản lý.

3. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định giaotrẻ em chocơ sở trợ giúpxã hộichăm sóc trẻ emthuộc cấp tỉnh quản lý.

4. Tòa án nhân dân cấp huyện quyết định chăm sóc thay thế đối với các trường hợp trẻ em được quy định tại khoản 2 Điều 61 của Luật này.

Điều 67. Đưa trẻ em vào cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc trẻ em

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em cư trú hoặc nơi xảy ra hành vi xâm hại trẻ em lập hồ sơ đề nghị đưa trẻ em vào cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc trẻ emtrong các trường hợp sau:

a) Trong thời gian làm thủ tục để trẻ em được chăm sóc thay thế bởi người thân thích hoặc bởi cá nhân, gia đình không phải là người thân thích;

b) Không lựa chọn được các cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế cho trẻ em tại gia đình.

c) Áp dụng các biện pháp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 49 của Luật này; 

2. Trẻ em đang được chăm sóc thay thế trong các cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc trẻ em phải thường xuyên được rà soát để chuyển hình thức chăm sóc thay thế bởi người thân thích hoặc cá nhân, gia đình chăm sóc thay thế.

3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định quy trình, thủ tục tiếp nhận trẻ em vào các cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc trẻ em.

          Điều 68. Theo dõi, đánh giá trẻ em được nhận chăm sóc thay thế

1. Cơ quan lao động - thương binh và xã hội cấp tỉnh, huyện có trách nhiệm:

a) Tổ chức tư vấn, hướng dẫn triển khai chính sách, biện pháp hỗ trợ người chăm sóc thay thế và trẻ em được chăm sóc thay thế;

b) Rà soát danh sách trẻ em tại các cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc trẻ em sáu tháng một lần; tiếp nhận kiến nghị của cơ sở trợ giúp chăm sóc trẻ em để xem xét, quyết định hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chuyển trẻ em sang hình thức chăm sóc thay thế phù hợp;

c) Thanh tra, kiểm tra điều kiện chăm sóc thay thế tại gia đình và cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc trẻ em; các trường hợp vi phạm tiêu chuẩn chăm sóc hoặc xâm hại trẻ em của cơ sở, người chăm sóc thay thế.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp cơ quan lao động – thương binh xã hội cấp huyện định kỳ sáu tháng tiến hành đánh giá mức độ phù hợp của từng trường hợp trẻ em được chăm sóc thay thế tại gia đình thuộc địa bàn quản lý để có biện pháp hỗ trợ, can thiệp phù hợp.

Điều 69. Chấm dứt việc chăm sóc thay thế

1. Cá nhân, người đại diện gia đình chăm sóc thay thế phải chấm dứt chăm sóc trẻ em trong các trường hợp sau:

a) Mất khả năng chăm sóc trẻ em;

b) Vi phạm quy định tại Điều 7 của Luật này;

c) Trường hợp cá nhân, người đại diện gia đình hoặc các thành viên trong gia đình nhận chăm sóc thay thế xâm hại trẻ em thì việc chuyển trẻ em được thực hiện trong thời gian ngắn nhất và áp dụng các biện pháp bảo vệ trẻ em quy định tại Điều 49 của Luật này.

2. Cá nhân, người đại diện gia đình chăm sóc thay thế đề nghị chấm dứt việc chăm sóc trẻ em.

3. Trẻ em bị chấm dứt chăm sóc thay thế tại gia đình đang chăm sóc khi có hành vi cố ý xâm phạm nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cá nhân, thành viên gia đình nhận chăm sóc thay thế.

4. Trẻ em được chấm dứt chăm sóc thay thế trở về đoàn tụ gia đình khi gia đình bảo đảm an toàn, có đủ điều kiện thực hiện các quyền của trẻ em.

5. Trường hợp trẻ em muốn chấm dứt việc chăm sóc thay thế, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và người chăm sóc thay thế có trách nhiệm xem xét để quyết định chấm dứt chăm sóc thay thế vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

6. Người ra quyết định chăm sóc thay thế có thẩm quyền quyết định chấm dứt việc chăm sóc thay thế.

 

Mục 4

 

CÁC BIỆN PHÁP BẢO VỆ TRẺ EM VI PHẠM PHÁP LUẬT, TRẺ EM LÀ NẠN NHÂN, LÀ NGƯỜI LÀM CHỨNG TRONG QUÁ TRÌNH TỐ TỤNG, XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ TÁI HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG

 

Điều 70. Các yêu cầu bảo vệ trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em là nạn nhân, là người làm chứng trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính và tái hòa nhập cộng đồng

1. Kịp thời can thiệp, giải quyết để giảm thiểu tổn hại đến thể chất và tinh thần của trẻ em; coi trọng phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật và tái phạm của trẻ em; tích cực hỗ trợ để trẻ em phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng.

2. Việc áp dụng các biện pháp bảo vệ trẻ em phải vì lợi ích tốt nhất của trẻ em và phù hợp với quy định của pháp luật tố tụng và xử lý vi phạm hành chính.

3. Ưu tiên áp dụng các biện pháp hỗ trợ, can thiệp hoặc biện pháp giáo dục tại cộng đồng đối với trẻ em vi phạm pháp luật tùy theo mức độ vi phạm; hạn chế tối đa việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế, ngăn chặn.

4. Các biện pháp hỗ trợ, can thiệp phải an toàn, liên tục, đầy đủ, linh hoạt, phù hợp với nhu cầu, hoàn cảnh, độ tuổi, đặc điểm tâm lý, sinh lý của từng trẻ em trên cơ sở xem xét và tôn trọng ý kiến, nguyện vọng, tình cảm và thái độ của trẻ em trong việc áp dụng các biện pháp cụ thể.  

5. Bảo đảm sự liên kết chặt chẽ, kịp thời giữa các dịch vụ bảo vệ trẻ em và quá trình tố tụng.

Điều 71. Các biện pháp bảo vệ trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em là nạn nhân, trẻ em là người làm chứng

1. Khi áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, biện pháp xử lý thay thế xử lý hành chính theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính; miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của Bộ Luật Hình sự đối với trẻ em vi phạm pháp luật thì phải áp dụng các biện pháp bảo vệ sau đây:

a) Các biện pháp bảo vệ trẻ em cấp độ hỗ trợ quy định điểm c, điểm d, khoản 2 Điều 49 Luật này;

b) Các biện pháp bảo vệ cấp độ can thiệp quy định tại điểm a, điểm e khoản 2, Điều 50 Luật này;

c) Áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế theo quy định của Luật này trong trường hợp trẻ em không còn hoặc không xác định được cha, mẹ; không thể sống cùng cha, mẹ; không xác định được nơi cư trú trong thời gian thực hiện quyết định giáo dục tại cộng đồng của cơ quan có thẩm quyền;

d) Hỗ trợ gia đình giám sát, quản lý, giáo dục trẻ em.

2. Trẻ em là nạn nhân của các hành vi vi phạm pháp luật và trẻ em là người làm chứng mà bị tổn hại về thể chất, tinh thần được áp dụng các biện pháp bảo vệ cấp độ hỗ trợ tại điểm c, điểm d, khoản 2 Điều 49 và các biện pháp bảo vệ cấp độ can thiệp quy định tại Điều 50 của Luật này.

3. Trẻ em là người làm chứng được bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự và bí mật riêng tư; hạn chế tối đa việc dẫn giải, gây áp lực về tâm lý.

4. Kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em theo quy định tại Điều 52 của Luật này được xây dựng trên cơ sở đánh giá mức độ ảnh hưởng, tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự và nhân phẩm của trẻ em.

Điều 72. Trách nhiệm của người làm công tác bảo vệtrẻ emcấp xã trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính và tái hòa nhập cộng đồngcho trẻ em

1. Tư vấn, cung cấpthông tin, hướng dẫntrẻ em và cha,mẹ, người chăm sóc trẻ em tiếp cận dịch vụ bảo vệ trẻ em, trợ giúp pháp lý, xã hội, y tế, giáo dục, và các nguồn trợ giúp khác.

2. Cung cấp thông tin về trẻ em cho người có thẩm quyền quyết định biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người tiến hành tố tụng trong quá trình xem xét việc áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng để áp dụng các biện pháp xử lý, giáo dục phù hợp.

3. Tham gia vào quá trình tố tụng có trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em là nạn nhân, trẻ em là người làm chứng; quá trình tố tụng và cuộc họp của Hội đồng tư vấn áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn và quá trình xem xét tại tòa án nhân dân để áp dụng biện pháp đưa trẻ em vào trường giáo dưỡng.

4. Theo dõi quá trình thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục đối với trẻ em được miễn trách nhiệm hình sự, trẻ em bị xử lý vi phạm hành chính bằng biện pháp giáo dục tại cộng đồng; kiến nghịáp dụng biện pháp phù hợp đối với trẻ em bị xử lý vi phạm hành chính.

5. Tham gia xây dựng kế hoạch bảo vệ trẻ em và giám sát việc thực hiện; kết nối dịch vụ và hỗ trợ việc phục hồi, tái hòa nhập cho trẻ em.

Điều 73. Phục hồi và tái hòa nhập cho trẻ em vi phạm pháp luật

1. Kể từ khi trẻ em chấp hành xong hình phạt tù hoặc biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, chậm nhất hai tháng, cơ sở giam giữ hoặc trường giáo dưỡng nơi trẻ em đang chấp hành hình phạt tù hoặc biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng có trách nhiệm thông báo và cung cấp thông tin có liên quan cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em về cư trú theo quy định của Luật thi hành án hình sự để chuẩn bị việc tiếp nhận và tái hòa nhập cho trẻ em.

2. Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em cư trú có trách nhiệm chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch can thiệp, hỗ trợ và áp dụng biện pháp pháp lý đối với trẻ em chấp hành xong hình phạt tù hoặc trẻ em hết thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; trẻ em được áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

3. Cơ quan lao động - thương binh và xã hội, tư pháp, công an, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cấp huyện và các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã trong việc thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp và áp dụng các biện pháp pháp lý đối với trẻ em.

 

CHƯƠNGV

TRẺ EM THAM GIA VÀO CÁC VẤN ĐỀ VỀ TRẺ EM

 

Điều 74. Phạm vi, hình thức trẻ em tham gia vào các vấn đề của trẻ em

1. Các vấn đề sau đây về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em phải có sự tham gia của trẻ em hoặc cơ quan, người đại diện trẻ em tùy theo độ tuổi của trẻ em:

a)Xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội;

b) Triển khaicác chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật;

c) Xây dựng và thực hiện quyết định, chương trình, hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;

d) Quyết định, hoạt động của nhà trường, cơ sở giáo dục, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em;

đ) Áp dụng biện pháp, cách thức chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, bảo vệ trẻ em của gia đình.

2. Trẻ em được tham gia thông qua các hình thức sau:

a) Diễn đàn, hội nghị, hội thảo,tọa đàm,cuộc thi,sự kiện;

b) Thông qua tổ chứcđại diện tiếng nói, nguyện vọng trẻ em; hoạt động của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; tổ chức xã hội,tổ chức xã hội - nghề nghiệphoạt động vì trẻ em;

c) Hoạt động của các câu lạc bộ, đội, nhóm do trẻ em thành lập theo quy định của pháp luật;

d) Tham vấn, thăm dò, lấy ý kiến trẻ em;

đ) Bày tỏ ý kiến, nguyện vọng trực tiếp hoặc qua kênh truyền thông đại chúng, truyền thông xã hội, mạng xã hội và các hình thức thông tin khác.

Điều 75Bảo đảm quyền được tham gia của trẻ em trong gia đình

Cha mẹ và các thành viên trong gia đình:

1. Tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi, giải thích ý kiến, nguyện vọng của trẻ em, phù hợp với lứa tuổi, sự phát triển của trẻ em và điều kiện, hoàn cảnh của gia đình.

2. Tạo điều kiện, hướng dẫntrẻ em tiếp cận các nguồn thông tinan toàn,phù hợp với lứa tuổi, giới tính và sự phát triểntoàn diệncủa trẻ em.

3. Tạo điều kiện để trẻ em được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng đối vớinhững quyết định, vấn đềcủa gia đình liên quan đến trẻ em.

4. Không cản trở trẻ em tham gia các hoạt động xã hội phù hợp, trừ trường hợp vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Điều 76. Bảo đảm quyền được tham gia của trẻ em trong nhà trường và cơ sở giáo dục

Nhà trường, cơ sở giáo dục:

1. Phải chủ động tổ chức và tạo điều kiện để trẻ em được tham gia các hoạt động Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, câu lạc bộ, đội, nhóm của trẻ em trong nhà trường và cơ sở giáo dục; các hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội.

2. Cung cấp thông tin pháp luật, chính sách, quy định về giáo dục có liên quan đến học sinh; công khai thông tin về kế hoạch học tập và rèn luyện, chế độ nuôi dưỡng và các khoản đóng góp theo quy định.

3. Tạo điều kiện để trẻ em được kiến nghị, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về chất lượng dạy và học;quyền,lợi ích chính đáng của trẻ em trong môi trường giáo dụcvà nhữngvấn đề trẻ em quan tâm.

4. Tiếp nhận ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của trẻ em, giải quyết theo phạm vi trách nhiệm được giao hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết đến trẻ em.

Điều 77Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọngcủatrẻ em

1. Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em.

2. Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em có nhiệm vụ:

a) Tổ chức lấy ý kiến, kiến nghị của trẻ em thường xuyên và định kỳ; tổ chức để trẻ em được tiếp xúc với các đại biểu dân cử công tác trong lĩnh vực trẻ em;

b) Thường xuyên lắng nghe, tiếp nhận và tổng hợpý kiến, kiến nghị của trẻ em;

c) Chuyển ý kiến, kiến nghị của trẻ em tới các cơ quan chức năng để giải quyết theo thẩm quyền;

d) Theo dõi việc giải quyết và phản hồi trẻ em về kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị;

đ) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em;

e) Hằng năm báo cáo Ủy ban phụ trách lĩnh vực trẻ em của Quốc hội và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc thực hiện trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc xem xét, giải quyết ý kiến, kiến nghị của trẻ em.

Điều 78Bảo đảmđểtrẻ em tham giavào các vấn đề về trẻ em

1. Khi trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em quy định tại Điều 74 của Luật này, cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân phải bảo đảm:

a) Tạo môi trường an toàn, thân thiện, bình đẳngđể trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em;

b) Cung cấp đầyđủ thông tin các vấn đề về trẻ em và các vấn đề trẻ em quan tâm với nội dung, hình thức, biện pháp phù hợp;

c) Khuyến khích sự tham gia của trẻ em; không trù dập, kỳ thị khi trẻ em bày tỏ ý kiến, nguyện vọng;

d) Bảo đảm để trẻ em tham gia tự nguyện, chủ động, phù hợp với lứa tuổi, giới tính vàsự phát triển của trẻ em;

đ) Ý kiến, nguyện vọng của trẻ em và ý kiến của cơ quan đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em phải được lắng nghe, tiếp nhận, xem xét, giải quyết và phản hồi đầy đủ, kịp thời, khách quan, trung thực.

2. Chính quyền địa phương có trách nhiệm tổ chức gặp mặt, đối thoại, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của trẻ em về các vấn đề trẻ em quan tâm.

3. Chính phủ quy định chi tiết trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc bảo đảm để trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em.

 

CHƯƠNG VI

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN

TRONG VIỆC THỰC HIỆN QUYỀN TRẺ EM

 

Điều 79. Trách nhiệm phối hợp trong việc thực hiện quyền trẻ em

1. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em và các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về trẻ em.

2. Cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em theo quy định pháp luật và phối hợp, trao đổi thông tin trong quá trình thực hiện.

3. Cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em trong quá trình thực hiện nhiệm vụ liên quan đến trẻ em.

4. Hành vi không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời, không phối hợp khi thực hiện các quyền trẻ em bị coi là hành vi thiếu trách nhiệm, bị xử lý theo quy định của pháp luật căn cứ vào mức độ gây hậu quả của hành vi đó.

 

Mục 1

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC

 

Điều 80. Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp

 1. Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và địa phương theo thẩm quyền để thực hiện quyền trẻ em; giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo quy định của pháp luật; phân bổ ngân sách hằng năm để bảo đảm thực hiện quyền trẻ em.

2. Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm phối hợp với cơ quan phụ trách lĩnh vực trẻ em của Quốc hội để xem xét, đánh giá những vấn đề liên quan đến trẻ em trong các dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; trong việc lồng ghép vấn đề trẻ em khi thẩm tra quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia;khi giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách liên quan đến trẻ em và việc thực hiện quyền trẻ em.

3. Hội đồng nhân dân các cấp có trách nhiệm ban hành nghị quyết để thực hiện và giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về trẻ em trên địa bàn theo nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

4. Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp công tác trong lĩnh vực trẻ em có trách nhiệm thường xuyên và định kỳ tiếp xúc với trẻ em hoặc trẻ em đại diện; tiếp nhận, chuyển và theo dõi, giám sát việc giải quyết các kiến nghị liên quan đến trẻ em của các cơ quan, tổ chức.

Điều 81. Chính phủ

1. Thống nhất quản lý nhà nước về trẻ em; chỉ đạo, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình về trẻ em; bảo đảm cơ chế và biện pháp phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em.

2. Bảo đảm xây dựng và thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu liên quan đến trẻ em trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, trung hạn và hằng năm của quốc gia, địa phương, ngành theo quy định.

3. Chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì, phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về trẻ em theo thẩm quyền.

4. Tạo điều kiện và phân công các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Trung ương Đoàn TNCSHCM trong việc thực hiện nhiệm vụ đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em.

5. Định kỳ và hằng năm báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện quyền trẻ em và việc thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương liên quan đến trẻ em

Điều82. Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân

1. Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân các cấp áp dụng nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, yêu cầu và biện pháp tư pháp cho trẻ em để tiến hành xét xử vi phạm quyền trẻ em, trẻ em vi phạm pháp luật, ra quyết định tư pháp đối với trẻ em hoặc có liên quan đến trẻ em.

2. Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn Tòa án nhân dân các cấp thực hiện việc xét xử, ra quyết định tư pháp phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

3. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân các cấp áp dụng nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, yêu cầu và biện pháp tư pháp cho trẻ em để thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với trẻ em hoặc có liên quan đến trẻ em.

4. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn Viện Kiểm sát nhân dân các cấp thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với trẻ em hoặc có liên quan đến trẻ em phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

5. Đào tạo, bồi dưỡng về quyền trẻ em, về tâm lý học, giáo dục học cho kiểm sát viên, thẩm phán tiến hành tố tụng các vụ án có liên quan đến trẻ em.

Điều 83. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về trẻ em trong phạm vi cả nước; điều phối việc thực hiện quyền trẻ em; bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em được Chính phủ giao hoặc ủy quyền.

2. Tham gia ý kiến bằng văn bản về những vấn đề liên quan đến trẻ em gửi Ban soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và các văn bản quy phạm pháp luật khác; đề xuất việclồng ghép vấn đề trẻ em khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, ngành, địa phương.3. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và cơ quan đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em để giúp Chính phủ chuẩn bị báo cáo Quốc hội định kỳ hoặc đột xuất về tình hình trẻ em.

4. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị báo cáo quốc gia thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em.

5. Chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng, hướng dẫn và tổ chức thực hiện pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em và tổ chức, hoạt động của cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; bảo đảm trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em.

6. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quanhướng dẫn và tổ chức thực hiện việc phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em và việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Điều 84. Bộ Tư pháp

1. Chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối caovà các bộ, ngành, tổ chức có liên quan bảo đảm việcbảo vệ trẻ emtrong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính.

2. Chủ trì, hướng dẫn việc đăng ký khai sinh, quốc tịch; xác định cha, mẹ cho trẻ em chưa xác định được cha, mẹ.

3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện quản lý nhà nước về nuôi con nuôi.

4.Quản lý, hướng dẫnthực hiện trợ giúp pháp lýchotrẻ emvà cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em theo quy định của pháp luật.

Điều 85. Bộ Y tế

1. Bảo đảmtrẻ em đượcsinh ra an toàn, được tiếp cận các dịch vụchăm sóc sức khỏe có chất lượng và công bằng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

2. Hướng dẫn việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ theo độ tuổi; chăm sóc và tư vấn sức khỏe, dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ em; tư vấn, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh.

3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quanhướng dẫn và tổ chức thực hiện việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em khuyết tật, trẻ em bị tai nạn thương tích và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác.

4. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, tổ chức thực hiện y tế trường học cho trẻ em.

5.Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, vệ sinh và phòng bệnh cho phụ nữ mang thai và trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới ba mươi sáu tháng tuổi.

Điều 86. Bộ Giáo dục và Đào tạo

1. Bảo đảm việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em trong nhà trường, cơ sở giáo dục; xây dựng chương trình, nội dung giáo dục phù hợp với từng lứa tuổi trẻ em và bảo đảm chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện cho trẻ em; bảo đảm trẻ em được hoàn thành chương trình giáo dục phổ cập và tạo điều kiện học ở trình độ cao hơn.

2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan đề xuất với Chính phủ biện pháp triển khai chính sách phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi và quy định chính sách hỗ trợ để trẻ em trong độ tuổi được giáo dục mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ theo quy định tại Khoản 5, Điều 44 của Luật này.

3. Tổ chức phổ biến, giáo dục kiến thứcvề quyền và bổn phận của trẻ em cho học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.

4. Tổ chức thực hiệnpháp luật, chính sáchvà áp dụng biện pháptrợ giúp giáo dục phù hợp cho trẻ em có hoàn cảnhđặc biệt, trẻ em dân tộc thiểu số; giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật.

5. Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và cơ quan, tổ chức liên quan để hướng dẫn và tổ chức thực hiện y tế trường họccho trẻ em, giáo dục và phát triển toàn diện trẻ em trong hệ thống giáo dục.

6. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức cóliên quan xây dựng chính sáchgiáo dục, đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu, tài năng chotrẻ em; vận động gia đình, xã hội phát hiện, hỗ trợ, bồi dưỡng trẻ em có năng khiếu, tài năng.

7. Hướng dẫn thực hiện quyền tham gia của trẻ em trong nhà trường và cơ sở giáo dục theo quy định tại Điều 76 của Luật này.

8.Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế và các cơ quan, tổ chức có liên quan giáo dục, hướng dẫntrẻ em bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; thông tin, hướng dẫn cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ em, đặc biệt trẻ em lứa tuổi nhà trẻ.

9. Quản lývàhướng dẫn sử dụng thiết bị đồ chơi sử dụng trong nhà trường, cơ sở giáo dục.

Điều 87. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

1. Bảo đảm trẻ em được vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch.

2. Chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các cơ quan, tổ chức có liên quan quản lý, hướng dẫn việc phát triển thiết chế văn hóa, thể thao dành riêng cho trẻ em hoặc trẻ em tham gia sử dụng, hưởng thụ.

3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và các cơ quan, tổ chức có liên quan quản lý, hướng dẫn việc sáng tác văn học, nghệ thuật; xây dựng chương trình, tiết mục, sản phẩm văn hóa, nghệ thuật; phối hợp tổ chức sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch dành cho trẻ em và về trẻ em.

4. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện các quyền của trẻ em trong gia đình; giáo dục trẻ em gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị truyền thống của gia đình.

5. Hướng dẫn việc bảo đảm thực hiện quyền được tham gia của trẻ em trong gia đình theo quy định tại Điều 75 của Luật này.

Điều 88. Bộ Thông tin và Truyền thông

1. Bảo đảm trẻ em được tiếp cận thông tin; được bảo vệ hình ảnh, thông tin về đời sống riêng tư, bảo mật cá nhân về thư tín, viễn thông và các hình thức trao đổi, lưu giữ thông tin cá nhân.

2. Quản lý, hướng dẫn việc hỗ trợ trẻ em tìm kiếm, thu nhận và phổ biến thông tin, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng trên các kênh thông tin, truyền thông theo quy định pháp luật, phù hợp với lứa tuổi, mức độ trưởng thành, nhu cầu, năng lực của trẻ em.

3. Quản lý, hướng dẫn quy chuẩn báo chí, xuất bản, viễn thông, internet, phát thanh, truyền hình và các hình thức cung cấp, quảng bá thông tin khác dành riêng cho trẻ em, có trẻ em tham gia, liên quan đến trẻ em; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử và các phương tiện thông tin khác. 

4. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan, tổ chức liên quan phát triển báo chí, thông tin, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em và trẻ em được tham gia; thực hiện biện pháp thông tin, truyền thông cho gia đình, xã hội về kiến thức, kỹ năng bảo đảm thực hiện quyền, bổn phận của trẻ em.

Điều 89. Bộ Công an

1. Chủ trì, phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan, tổ chức có liên quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bạo lực, bóc lột trẻ em.

2. Hướng dẫn và tổ chức thực hiện nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, yêu cầu và biện pháp bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính đối với trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em là người bị hại và người làm chứng; đào tạo, bồi dưỡng về quyền trẻ em, về tâm lý học, giáo dục học cho công an viên, cán bộ trường giáo dưỡng và điều tra viên tiến hành tố tụng các vụ án có liên quan đến trẻ em.

3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, các cơ quan, tổ chức có liên quan phòng ngừa, ngăn chặn, quản lý, giáo dục trẻ em vi phạm pháp luật.

Điều 90. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

1. Thực hiện quyền trẻ em theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định.

2. Hằng năm gửi báo cáo việc thực hiện quyền trẻ em về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

Điều 91. Ủy ban nhân dân các cấp

1. Thực hiện quản lý nhà nước về trẻ em theo thẩm quyền; tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, kế hoạch, chương trình mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em; ban hành theo thẩm quyềnchính sách, pháp luật bảo đảm thực hiện quyền trẻ em phù hợp với đặc điểm, điều kiệncủa địa phương.

2. Chỉ đạo, tổ chức thực hiệnquyềntrẻ emvà bố trí, vận độngnguồn lực bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em; tổ chức, quản lý hoạt động của cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em theo thẩm quyền; bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em ở địa phương;

3. Chỉ đạo, vận độngnguồn lực để thực hiện các nội dung quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 43.

4. Hằng năm báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp việc thực hiện quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em của địa phương.

5. Ủy ban nhân dân cấp xã giao nhiệm vụ cụ thể về thực hiện các quyền trẻ em, bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em trong số các công chức hoặc người hoạt động không chuyên trách thuộc quyền quản lý.

Điều 92. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên

1. Giám sát, phản biện, tham vấn, kiến nghị đối với các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng, thực hiện đường lối, pháp luật, chính sách, phân bổ nguồn lực đáp ứng các quyền trẻ em theo quy định pháp luật.

2. Tuyên truyền, vận động thành viên, hội viên, đoàn viêncủa tổ chức và toàn xã hội hỗ trợ, tham gia thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dịch vụ đáp ứng các quyền trẻ em, ngăn ngừa các hành vi vi phạm quyền trẻ em.

          3. Thực hiện chương trình, kế hoạch, dịch vụ đáp ứng quyền trẻ em theo sự ủy quyền, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chấp hành việc thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật.

4. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ngoài việc thực hiện quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 của Điều này, có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện trách nhiệm đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, được quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này;

b) Đề xuất với Chính phủ các điều kiện bảo đảm thực hiện trách nhiệm đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em;

c) Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan, ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn và bảo đảm trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em.

5. Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ngoài việc thực hiện quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 của Điều này, có trách nhiệm phối hợp với tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em thực hiện giám sát việc bảo đảm quyền, lợi ích của trẻ em dưới sáu tuổi.

Điều 93. Các tổ chức xã hội

1.Vận động thành viên của tổ chức và xã hộihỗ trợ, tham giaxây dựng,thực hiện pháp luật, chính sách, chương trình, kế hoạch, dịch vụ đáp ứng các quyền trẻ em, ngăn ngừa các hành vi vi phạm quyền trẻ em.

2. Thực hiện pháp luật, chính sách, đáp ứng quyền trẻ emtheotôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức được pháp luật quy định; tiếp nhận, thu thập thông tin từ thành viên và xã hội để phản ánh, khuyến nghị, tư vấn cho cơ quan Nhà nước, các tổ chức, cá nhân về việc chấp hành pháp luật, thực hiện chính sách.

3. Tổchức việc cung cấpdịch vụ đáp ứng các quyền trẻ em theo sự ủy quyền, hỗ trợ của Chính phủ, các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước; chấp hành việc thanh tra, kiểm traquá trình thực hiệntheo quy định pháp luật.

4. Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, ngoài việc thực hiện quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 của Điều này, có trách nhiệm tổ chức việc kết nối, thu thập thông tin, kiến nghị của các tổ chức xã hội và của trẻ em chuyển đến các cơ quan nhà nước để góp ý, tư vấn cho việc xây dựng và thực hiện pháp luật, chính sách về các quyền trẻ em; tham gia giám sát thực hiện quyền trẻ em; phát biểu chính kiến và kiến nghị của Hội đối với các cơ quan Nhà nước có liên quan về các vấn đề về trẻ em và việc vi phạm quyền trẻ em.  

Điều94Cơ sởcung cấp dịch vụ cho trẻ em hoặc có trẻ em tham gia sử dụng dịch vụ

1. Phải bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng,thân thiện, an toàn, không gây tổn hại cho trẻ emvà không vi phạm quyền trẻ emphù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ sởvàquy định,hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

2. Bảo đảm việc phối hợp, tiếp nhận và chuyển giao giữa các cơ sở cung cấp dịch vụ cho trẻ em hoặc có trẻ em sử dụng dịch vụ theo quy định, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. 

Điều 95. Tổ chức kinh tế

1. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, phải thực hiện đầy đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn để bảo đảm cung cấp sản phẩm, dịch vụ an toàn, thân thiện với trẻ em, không gây tổn hại cho trẻ em và không vi phạm các quyền trẻ em theo quy định, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

2. Người sử dụng lao động tạo điều kiện để người lao động thực hiện trách nhiệm của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em theo quy định của pháp luật.

3. Người sử dụng lao động tạo điều kiện cho trẻ em được học nghề, bố trí việc làm phù hợp với khả năng và điều kiện của tổ chức.

4. Đóng góp và vận động nguồn lực cho việc thực hiện các quyền trẻ em phù hợp với khả năng, điều kiện, mức độ phát triển của tổ chức.

Điều 96. Tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em

1. Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm thành lập Tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, điều hòa giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; phối hợp giữa Chính phủ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; giữa các địa phương trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em, thực hiện các quyền trẻ em.

2. Căn cứ yêu cầu thực tế và điều kiện của địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp thành lập Tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em để giúp Chủ tịch và ủy ban nhân dân cùng cấp phối hợp, điều hòa, đôn đốc việc giải quyết các vấn đề trẻ em, thực hiện các quyền trẻ em ở địa phương.

Điều 97.Quỹ Bảo trợ trẻ em

1. Quỹ Bảo trợ trẻ em được thành lập nhằm mục đích vận động sự đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài, viện trợ quốc tế và hỗ trợ của ngân sách nhà nước trong trường hợp cần thiết cho các mục tiêu thực hiện các quyền trẻ em của nhà nước.

2. Việc vận động, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo trợ trẻ em phải đúng mục đích, theo quy định pháp luật về quản lý tài chính.

 

Mục 2

TRÁCH NHIỆM CỦA GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN

 

Điều 98. Bảo đảm cho trẻ em sống với cha, mẹ

1. Cha, mẹ, các thành viên gia đình bảo đảm điều kiện để trẻ em được sống với cha, mẹ và những người thân thích.

2. Cha, mẹ, các thành viên gia đình phải chấp hành quy định của pháp luật và quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc hạn chế quyền của cha, mẹ; tách trẻ em khỏi cha, mẹ vì lợi ích và sự an toàn của trẻ em.

Điều 99. Khai sinh cho trẻ em

Cha, mẹ, người giám hộ có trách nhiệm khai sinh cho trẻ em đúng thời hạn.

Điều 100. Chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em

1. Cha mẹ, người giám hộ, các thành viên trong gia đình có trách nhiệm trước hết trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, tạo điều kiện và dành điều kiện tốt nhất theo khả năng cho sự phát triển liên tục, toàn diện của trẻ kể từ giai đoạn đầu đời; thường xuyên liên hệ với cơ quan, tổ chức hữu quan để được hướng dẫn, trợ giúp trong quá trình thực hiện trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.

2. Cha mẹ, người giám hộ, các thành viên lớn tuổi khác trong gia đình phải gương mẫu cho trẻ em noi theo; có trách nhiệm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; trau dồi kiến thức, kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển toàn diện của trẻ em.

3. Cha mẹ, người giám hộ có trách nhiệm bảo đảm chế độ dinh dưỡng phù hợp với sự phát triển về thể chất, tinh thần của trẻ em theo từng lứa tuổi.

4. Cha, mẹ, người giám hộ có trách nhiệm trong việc tầm soát bệnh tật bẩm sinh khi gia đình có phụ nữ mang thai và thực hiện việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng bệnh, chữa bệnh cho trẻ em.

Điều 101. Giáo dục trẻ em, bảo đảm quyền học tập, phát triển năng khiếu, vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch của trẻ em

1. Cha, mẹ, người giám hộ, các thành viên lớn tuổi khác trong gia đình phải gương mẫu về mọi mặt cho trẻ em noi theo; tự học để có kiến thức, kỹ năng giáo dục trẻ em về đạo đức, nhân cách, các quyền và bổn phận của trẻ em; tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển toàn diện của trẻ em.

2. Cha, mẹ, người giám hộ, các thành viên gia đình có trách nhiệm bảo đảm cho trẻ em thực hiện quyền học tập, học hết chương trình giáo dục phổ cập, tạo điều kiện cho trẻ em theo học ở trình độ cao hơn.

3. Cha, mẹ, người giám hộ, các thành viên gia đình có trách nhiệm phát hiện, khuyến khích, bồi dưỡng, phát triển năng khiếu của trẻ em.

4. Cha, mẹ, người giám hộ, các thành viên gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện để trẻ em được vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch phù hợp với lứa tuổi.

Điều 102. Bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em

1. Cha, mẹ, người giám hộ, các thành viên lớn tuổi khác trong gia đình phải  trau dồi kiến thức, kỹ năng giáo dục trẻ em về đạo đức, nhân cách, các quyền và bổn phận của trẻ em; tạo môi trường an toàn, phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em; phòng ngừa trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, có nguy cơ hoặc bị xâm hại.

2. Cha, mẹ, người giám hộ, các thành viên gia đình phải thực hiện, chấp hành các quyết định, biện pháp, quy định của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật để bảo đảm sự an toàn, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự cho trẻ em.

3. Cha, mẹ, người giám hộ, các thành viên gia đình có trách nhiệm tố giác, thông báo cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật các hành vi xâm hại trẻ em, trường hợp trẻ em có nguy cơ bị xâm hại hoặc đang bị xâm hại trong và ngoài gia đình.

4. Cha, mẹ, người giám hộ có trách nhiệm biện hộ cho trẻ em trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính.

Điều 103. Bảo đảm quyền dân sự của trẻ em

1. Cha, mẹ, người giám hộ có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em; đại diện cho trẻ em trong các giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trong trường hợp để trẻ em thực hiện các giao dịch dân sự trái pháp luật.

2. Cha, mẹ, người giám hộ phải giữ gìn, quản lý tài sản của trẻ em và giao lại cho trẻ em theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp trẻ em gây thiệt hại cho người khác thì cha, mẹ, người giám hộ phải bồi thường thiệt hại do hành vi của trẻ em đó gây ra theo quy định của pháp luật.

CHƯƠNG VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 104. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày    tháng    năm    .

2. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em số 25/2004/QH11 năm 2004 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

Điều 105. Điều khoản chuyển tiếp

Trẻ em theo quy định tại Điều 1 của Luật này được áp dụng đối với các quy định của pháp luật, chính sách, chương trình, kế hoạch về trẻ em đang có hiệu lực, đang được thực hiện kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Điều 106. Xử lý vi phạm

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 107. Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành

Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật; hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về trẻ em.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa …  , kỳ họp thứ …. thông qua ngày…. tháng … năm ….

 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI