Trao đổi nghiệp vụ

Tại đoạn 3, khoản 2 Điều 113 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về sự tham gia của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn, quy định:

Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người khác chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc, học tập phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người.

          Như vậy, mọi trường hợp khi có lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam của cơ quan tiến hành tố tụng, thì người được giao nhiệm vụ thi hành lệnh bắt đó, họ phải mời đại diện chính quyền xã, đại diện cơ quan tổ chức ... chứng kiến và phải lập biên biên bản về việc bắt người theo quy định. Tuy nhiên thực tế hiện nay khi tiến hành bắt bị can, bị cáo để tạm giam còn có những cách hiểu khác nhau về “Đại diện chính quyền cấp xã”. Đó là:

Cách hiểu thứ nhất: Đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn là người được chính quyền cấp xã (gồm cả: Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân) cử họ làm đại diện cho chính quyền địa phương chứng kiến việc bắt bị can, bị cáo để tạm giam của cơ quan tiến hành tố tụng, không nhất thiết phải là Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND cấp xã; những người này họ có thể là: Trưởng Công an xã; Xã đội trưởng thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc là Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã đều làm đại diện cho chính quyền cấp xã.

          Cách hiểu thứ hai thì: Đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn chỉ là đồng chí Chủ tịch UBND cấp xã hoặc đồng chí Phó Chủ tịch UBND cấp xã.

          Vì Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 không quy định rõ thế nào là đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn, do đó dẫn đến những cách hiểu khác nhau như  đã đề cập ở trên.

Do vậy, chúng ta cần phải tìm hiểu thế nào là “đại diện” và “chính quyền địa phương”.

Tuy Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 không quy định rõ, nhưng tại các văn bản pháp luật khác, vấn đề này đã được quy định một cách cụ thể, rõ ràng, trong phạm vi bài viết này tôi xin nêu ra để minh chứng, làm rõ nhằm hiểu và  thực hiện điều luật này một cách đúng đắn, thống nhất. Đó là:

- Về đại diện:

Theo Điều 134 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về Đại diện.

“1. Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

2. Cá nhân, pháp nhân có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện. Cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó.

3. Trường hợp pháp luật quy định thì người đại diện phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện.”

Tại khoản 2 Điều 137 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về đại diện theo pháp luật của pháp nhân,quy định: “2. Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân theo quy định tại Điều 140 và Điều 141 của Bộ luật này.”

          Do đó chúng ta có thể hiểumột cách ngắn gọn rằng: Đại diện là việc một (một số) người được cử ra để thay mặt cho cá nhân hoặc đại diện cho pháp nhân để làm, giải quyết một công việc nhất định nào đó trên thực tế.

Về chính quyền địa phương:

          Tại Điều 30 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, quy định: “Chính quyền địa phương ở xã là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân xã và Ủy ban nhân dân xã.”

Tại khoản 2 Điều 32 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định về Cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân xã đã quy định: “Thường trực Hội đồng nhân dân xã gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân”, và theo khoản 1 Điều 34 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định: “Ủy ban nhân dân xã gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an.”

Với những dẫn chứng các quy định như đã nêu trên, thấy rằng: Việc Bộ luật tố tụng quy định về sự tham gia của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn(khoản 2 điều 113 Bộ luật tố tụng hình sự 2015) cần được hiểu và nhận thức đúng đắn đó là: Đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn bao gồm cả Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (theo như cách hiểu thứ nhất là hoàn toàn chính xác, phù hợp), chứ không nhất thiết, bắt buộc người đại diện đó “phải là cán bộ UBND xã và phải là Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã” như tôi đã đề cập ở trên./.

Tác giả bài viết: Thanh Tú – VKSND Hướng Hóa