Nghị quyết của Đảng khẳng định “Hoạt động xét xử là trọng tâm” của cải cách tư pháp

Hoạt động của Kiểm sát viên tại phiên tòa là biểu hiện tập trung nhất, thể hiện rõ nhất vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong thực hiện chức năng thực hành quyền công tố. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cải cách tư pháp được Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị chỉ rõ là: “Đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”.
Tranh tụng là khái niệm chưa được quy định trong trong Bộ luật TTHS, nhưng cần hiểu rằng “Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa” không có nghĩa là thay đổi mô hình tố tụng hình sự mà về cơ bản, tố tụng hình sự ở nước ta vẫn là tố tụng thẩm vấn, nhưng cần tăng cường tranh luận tại phiên tòa để đảm bảo dân chủ  trong quá trình xét xử. Tranh tụng tại phiên tòa là hoạt động tố tụng, theo đó các bên tham gia tại phiên tòa (trong đó Viện kiểm sát là một bên bắt buộc) đối đáp với nhau nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án để giúp Hội đồng xét xử đưa ra phán quyết. Trong tranh tụng, Kiểm sát viên có vị trí, vai trò rất quan trọng, là bên buộc tội, đại diện cho Nhà nước giữ quyền công tố trước Tòa án để tranh luận, đối đáp với bị cáo, người bào chữa.
Thực hiện chủ trương “Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa” theo quy định của pháp luật, Kiểm sát viên phải thực hiện tốt vai trò công tố, thể hiện được uy quyền của người đại diện Nhà nước thực hành quyền công tố trước Tòa án; đồng thời kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của Hội đồng xét xử, góp phần giúp cho Tòa án ra được bản án, quyết định đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
 Khi thực hiện chức năng công tố tại phiên tòa, Viện kiểm sát có trách nhiệm chứng minh sự thật của vụ án, tranh luận dân chủ, đối đáp với người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác để làm rõ sự thật của vụ án; đồng thời có trách nhiệm kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án; có quyền kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu Tòa án chấm dứt và khắc phục vi phạm trong quá trình xét xử vụ án.
Viện kiểm sát các cấp cần xác định đúng vị trí, vai rò, tầm quan trọng của Kiểm sát viên khi thực hiện các hoạt động tố tụng tại phiên tòa. Năng lực, trình độ, bản lĩnh của Kiểm sát viên tại phiên tòa chính là uy tín, hình ảnh của ngành Kiểm sát trước nhân dân, trước Đảng. Đối với các vụ án đặc biệt nghiệm trọng, phức tạp, gây dư luận xấu trong xã hội hoặc liên quan đến người có chức vụ quyền hạn cao trong các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, người có chức sắc cao trong các tôn giáo thì lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân các cấp phải là người trực tiếp thực hành quyền công tố tại phiên tòa; hoặc lựa chọn những Kiểm sát viên có kinh nghiệm, có trình độ, năng lực về chuyên môn; có phong cách bản lĩnh, có khả năng diễn đạt và phản ứng nhanh nhạy đối với các tình huống phát sinh tại phiên tòa để thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự.
 
Cần lưu ý là ngành Kiểm sát nhân dân đang thực hiện cơ chế thông khâu; Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra cũng đồng thời được giao trách nhiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm tại phiên tòa. Cơ chế này tạo điều kiện thuận lợi cho Kiểm sát viên nắm vững hồ sơ vụ án. Nếu Viện kiểm sát các cấp tăng cường hơn nữa trách nhiệm trong kiểm sát điều tra, nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, nắm vững chứng cứ và các quy định của pháp luật, chuẩn bị kỹ các tình huống có thể phát sinh tại phiên tòa thì chắc chắn sẽ thực hiện tốt việc tranh tụng, chất lượng thực hành quyền công tố tại phiên tòa sẽ được nâng lên.
Trong những năm qua Quy chế của Ngành đã được hoàn thiện theo hướng tăng cường trách nhiệm tố tụng cho Kiểm sát viên, lãnh đạo các Vụ nghiệp vụ, các phòng nghiệp vụ thuộc VKSND tối cao, VKS quân sự Trung ương, lãnh đạo, Kiểm sát viên VKSND các tỉnh thành phố và VKSND cấp huyện. Thực tiễn cho thấy quy định này là phù hợp, cần thiết và đúng với tinh thần cải cách tư pháp. Lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ nhưng cũng đồng thời là Kiểm sát viên; do vậy vừa phải nêu cao vai trò quản lý, chỉ đạo, điều hành, vừa phải tăng cường tham gia trực tiếp vào các hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát tư pháp, phải trực tiếp giải quyết những vụ việc khó khăn phức tạp trong công tác kiểm sát; phải là tấm gương sáng trong công tác chuyên môn nghiêp vụ.
Khi thực hành quyền công tố tại phiên tòa xét xử án hình sự, Kiểm sát viên phải chủ động trong việc tham gia thẩm vấn và tranh luận dân chủ với người bào chữa và người tham gia tố tụng khác. Kiểm sát viên phải thực sự phát huy bản lĩnh, tự tin, sắc sảo trong việc luận tội và bảo vệ quan điểm truy tố; đồng thời phải tôn trọng kết quả điều tra công khai trước phiên tòa; bảo đảm tính có căn cứ và hợp pháp trong tranh tụng thể hiện ở chỗ: các quan điểm tranh tụng chỉ dựa vào quy định của pháp luật và chứng cứ đã được kiểm tra xác minh , dựa vào quan điểm, đường lối đấu tranh phòng chống tội phạm của Đảng, Nhà nước để đề xuất các quyết định xử lý đúng đắn vụ án.