Thực hiện Hướng dẫn số 32/HD-VKSTC ngày 30/11/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về “Hướng dẫn việc tham gia, tham dự phiên tòa dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động rút kinh nghiệm” và Kế hoạch công tác năm 2021 của Phòng 9 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị; Trong tháng 8 năm 2021, Phòng 9 đã phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị tổ chức 02 phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm đối với vụ án dân sự và kinh doanh thương mại phúc thẩm về việc “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” và “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”. Tham dự phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm có Lãnh đạo và Kiểm sát viên Phòng 9 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh; các đồng chí Lãnh đạo, Thẩm phán, Thư ký Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị.

Do phiên tòa tổ chức trong thời điểm dịch bệnh Covid  -19 đang diễn biến phức tạp, nên công tác chuẩn bị cho việc tham gia phiên tòa đã được hai cơ quan quan tâm, thống nhất tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Các phiên tòa rút kinh nghiệm diễn ra đáp ứng tốt yêu cầu của Ngành về tiêu chí chọn phiên tòa, về thành phần tham dự, cách thức tổ chức và công tác tự đào tạo, bồi dưỡng cán bộ...; đồng thời đảm bảo thực hiện tốt các quy định, biện pháp về phòng chống dịch bệnh Covid -19.

Sau khi kết thúc phiên tòa, Phòng 9 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị đã tổ chức họp rút kinh nghiệm đối với các đồng chí tham gia và tham dự phiên tòa. Trên cơ sở các ý kiến nhận xét, đánh giá của các đồng chí tham dự phiên tòa, đồng chí Trưởng phòng 9 kết luận:

- Kiểm sát viên đăng ký phiên tòa rút kinh nghiệm đã có sự chuẩn bị nghiêm túc, thực hiện đầy đủ các quy trình, thao tác nghiệp vụ trước khi tham gia phiên tòa như: Xây dựng báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ, trích cứu hồ sơ, đề cương hỏi, dự kiến tình huống; dự thảo phát biểu ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa, bút ký phiên tòa và Biên bản kiểm tra Biên bản phiên tòa; đồng thời gửi tài liệu chuẩn bị tham gia xét xử cho các đồng chí tham dự phiên tòa để nghiên cứu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi nội dung, diễn biến phiên tòa. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã phát huy vai trò trách nhiệm của mình, kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án và việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng; chủ động tham gia hỏi nhằm làm sáng tỏ nội dung vụ án; phát biểu rõ ràng, rành mạch quan điểm giải quyết vụ án của Viện kiểm sát trên cơ sơ đánh giá khách quan, toàn diện chứng cứ, tài liệu thu thập được trong hồ sơ và đã được kiểm chứng tại phiên tòa, áp dụng căn cứ pháp luật để giải quyết đầy đủ, chính xác. Bên cạnh những ưu điểm trên thì Kiểm sát viên cần rút kinh nghiệm trong việc đặt câu hỏi đối với đương sự và trong việc xây dựng bài phát biểu của Kiểm sát viên đảm bảo tính sát đúng, ngắn gọn, súc tích.

- Đối với các đồng chí tham dự phiên tòa đã nghiêm túc chấp hành quy định của Ngành về phiên tòa rút kinh nghiệm như: Nghiên cứu tài liệu trước khi tham dự phiên tòa; tham dự phiên tòa từ khi bắt đầu phiên tòa đến khi kết thúc hoạt động kiểm tra biên bản phiên tòa của Kiểm sát viên; thực hiện việc ghi chép diễn biến phiên tòa đầy đủ. Quá trình rút kinh nghiệm, các đồng chí tham dự phiên tòa đã mạnh dạn đóng góp ý kiến, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết án dân sự trong thời gian tới. 

- Đồng chí Trưởng phòng 9 cũng yêu cầu các Kiểm sát viên trong đơn vị tiếp tục đăng ký phiên tòa rút kinh nghiệm đối với vụ án hành chính trong tháng 9 năm 2021 để sớm về đích và vượt chỉ tiêu công tác đề ra.

Thông qua các phiên tòa rút kinh nghiệm nêu trên, các công chức, Kiểm sát viên phòng 9 đã học hỏi, tổng hợp, tích lũy được những kinh nghiệm quý báu từ đồng nghiệp để nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong kiểm sát giải quyết vụ án tranh chấp về “Hợp đồng tín dụng” và “Hợp đồng vay tài sản”.   

 

                               Tác giả: Nguyễn Thị Tố Ly-VKSND tỉnh Quảng Trị