Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm đột phá của Ngành kiểm sát nhân dân năm 2024, góp phần cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự năm 2024 và các năm tiếp theo theo Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 18/12/2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2024; Kế hoạch số 01/KH-VKSTC ngày 19/12/2023 về công tác trọng tâm của VKSND tối cao năm 2024; Kế hoạch 01/KH-VKS ngày 02/01/2024 của VKSND tỉnh Quảng Trị; Vừa qua, VKSND tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị tập huấn công tác kiểm sát giải quyết án dân sự năm 2024 bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến cho toàn thể lãnh đạo, công chức, kiểm sát viên, kiểm tra viên làm công tác nghiệp vụ thuộc Phòng 9 VKSND tỉnh và VKSND cấp huyện tại 10 điểm cầu. Đồng chí Thái Thị Phương Lan, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh chủ trì Hội nghị. 


Nhận thức sâu sắc được ý nghĩa và tầm quan trọng của Bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự, đó là: Bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự là sự thể hiện trực tiếp, chính thức, tập trung, phản ánh rõ ràng và đầy đủ kết quả hoạt động kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự của Viện kiểm sát; Thể hiện trách nhiệm của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân đối với xã hội và nhân dân, góp phần củng cố vai trò, vị trí của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự; Là cơ sở quan trọng để Tòa án xem xét ban hành bản án, quyết định giải quyết vụ án dân sự có căn cứ và đúng pháp luật; Là phương thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức pháp luật của người tham gia tố tụng và nhân dân; Là cơ sở để nhân dân thực hiện giám sát trực tiếp đối với các hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong quá trình giải quyết vụ án dân sự. Chính vì vậy đồng chí Trưởng phòng 9 đã lựa chọn, tham mưu cho lãnh đạo Viện tập huấn chuyên đề “Kỹ năng xây dựng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm án dân sự”

Nội dung chuyên đề tập huấn được lãnh đạo Phòng 9 tổng hợp từ các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, các Thông tư liên tịch và quy chế, hướng dẫn nghiệp vụ của Ngành về bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự và những kinh nghiệm thực tế được tích lũy trong quá trình tham gia phiên tòa đối với một số loại tranh chấp thường gặp như: Tranh chấp về hôn nhân gia đình, tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp chia thừa kế, tranh chấp hợp đồng tín dụng. 

Thông qua tập huấn đã giúp cho công chức, Kiểm sát viên được phân công khâu công tác Viện kiểm sát hai cấp nhận diện được những hạn chế, thiếu sót của mình; đồng thời tiếp thu được những kỹ năng cơ bản nhất khi xây dựng bài phát biểu của Kiểm sát viên dự thảo trước phiên tòa, chỉnh sửa bổ sung tại phiên tòa và hoàn chỉnh sau phiên tòa nhằm đảm bảo: Văn bản phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm đúng theo Mẫu số 36/DS ban hành kèm theo Quyết định 410/QĐ-VKSTC ngày 25/11/2021 của VKSNDTC; Nội dung bài phát biểu theo đúng theo quy định tại Điều 262 Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 28 của Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 quy định việc phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân trong việc thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự./.

                                           Tác giả: Thanh Hoằng - Phòng 9 VKSND tỉnh Quảng Trị