Thực hiện chủ trương sinh hoạt chuyên đề bằng hình thức Diễn đàn chi bộ theo hướng dẫn số 10-HD/BTGĐUK ngày 12/4/2021 của Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị và Công văn số 38-CV/ĐU ngày 20/4/2021 của Đảng ủy Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Quảng Trị. Ngày 14/10/2021, Chi bộ Phòng 7-9 VKSND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Diễn đàn sinh hoạt với chuyên đề thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch.

Tham dự diễn đàn có đồng chí Lê Thị Hồng Đào - Ủy viên Ban cán sự, Đảng ủy viên, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Trị và các đảng viên trong Chi bộ Phòng 7-9 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị.


Đồng chí Lê Thị Hồng Đào Đảng ủy viên, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Trị  

tham dự diễn đàn sinh hoạt Chi bộ Phòng 7-9

Mở đầu diễn đàn đồng chí Đỗ Hoàng Sâm, Bí thư Chi bộ quán triệt mục đích, yêu cầu của việc tổ chức diễn đàn sinh hoạt chi bộ. Đồng thời xác định diễn đàn chi bộ là hình thức sinh hoạt chính trị dân chủ và rộng rãi, góp phần nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của đảng viên trong công tác xây dựng Đảng nói chung và thực hiện Nghị quyết TW4 khóa XII nói riêng, yêu cầu mỗi đảng viên phải nhận thức đầy đủ, rõ ràng các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới để thực hiện có hiệu quả, bằng những việc làm thiết thực, gương mẫu trong mọi hành động của bản thân. 

Chi bộ Phòng 7-9 được thành lập theo Quyết định số 32-QĐ/ĐU ngày 29/3/2019 của Đảng ủy VKSND tỉnh Quảng Trị. Hàng năm, chi bộ đã tổ chức các diễn đàn sinh hoạt chuyên đề theo hướng dẫn của cấp ủy cấp trên. Đồng chí Bí thư chi bộ thay mặt chi bộ đánh giá kết quả khắc phục, sửa chữa các khuyết điểm đã được đảng viên, chi bộ chỉ ra tại diễn đàn sinh hoạt chuyên đề năm 2019, 2020 và được kết luận tại diễn đàn. 

Để đảm bảo nội dung thảo luận đúng trọng tâm, đồng chí Bí thư Chi bộ báo cáo đề dẫn gợi ý một số nội dung để đảng viên thảo luận và liên hệ.


Đảng viên đã tham gia thảo luận sôi nổi, liên hệ sát với tình hình chi bộ. Nhiều ý kiến tham luận đã tự giác chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của bản thân; góp ý với đồng chí một cách thẳng thắn với thái độ chân tình và cởi mở, đề xuất các giải pháp cụ thể, những nội dung về nhiệm vụ của đảng viên để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong điều kiện hiện nay. Các ý kiến thảo luận tại diễn đàn đều tập trung nhận diện những chiêu thức, thủ đoạn mới công kích, chống phá Đảng, Nhà nước, công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước của các thế lực thù địch, phản động trên không gian mạng. Các vấn đề cơ bản mà chúng công kích, chống phá là: Tìm cách phân tâm, bôi nhọ nền tảng tư tưởng chính trị nhằm thủ tiêu ý thức hệ của Đảng là Chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, gây ra sự hoài nghi đối với nền tảng tư tưởng của Đảng; bôi nhọ, xuyên tạc về đường lối chính trị, công kích thể chế chính trị; bài xích, cho rằng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta là nền kinh tế quái thai, râu ông nọ chắp cằm bà kia để biểu dương, ca ngợi nền kinh tế tư bản chủ nghĩa; tung hỏa mù về đảng trị, kích động, thúc đẩy sự xuất hiện các tổ chức chính trị đối lập nhằm hướng tới mục tiêu đa nguyên, đa đảng; bôi nhọ, hạ bệ uy tín của lãnh đạo; Tìm cách chia rẽ mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; Khoét sâu vào các vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm phá vỡ sự đoàn kết của dân tộc ta, công kích đồng bào có đạo và không có đạo, đồng bào thiểu số; Chống phá thông qua các nội dung về đường lối đối ngoại của ta. (Điển hình nhất là trong đợt mưa lũ kéo dài ở miền trung vừa qua, lợi dụng một số cá nhân đi thiện nguyện để nói xấu Đảng, Nhà nước, chính quyền).  

Thông tin trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội như Facebook, Zalo… thời gian qua hết sức đa dạng, phong phú, nhiều chiều, trong đó có cả những thông tin tích cực, có giá trị định hướng dư luận xã hội, nhưng cũng có không ít thông tin xấu đặt công chúng trước sự hoang mang, lo sợ, mất định hướng và niềm tin. Các thế lực thù địch tận dụng điều này để tung ra các thông tin xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như các thành quả của công cuộc đổi mới, khiến cho một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức sâu sắc và nhận diện được bản chất đúng - sai, tính chất xuyên tạc - phản động và âm mưu xấu độc của các quan điểm sai trái, thù địch; chưa có ý thức tự giác, chủ động đấu tranh, phê phán, phản bác, vạch trần mưu đồ của các phần tử cơ hội chính trị, phản động; chưa ngăn chặn, đẩy lùi, vô hiệu hóa, giảm thiểu được các tác động, ảnh hưởng của các quan điểm sai trái; niềm tin của không ít cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng, với chế độ còn dao động.

Đồng chí Đỗ Hoàng Sâm thay mặt lãnh đạo chi bộ Phòng 7-9 tiếp thu ý kiến tham luận của các đảng viên tại diễn đàn để xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế mà diễn đàn đã chỉ ra. Kết luận diễn đàn, đồng chí Sâm nêu việc bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận và liên hệ, Chi bộ thống nhất đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa, khắc phục, hạn chế gắn với việc nhận diện, cảnh giác và đấu tranh, phản bác với các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới như sau:

Thứ nhất, phải nắm vững lý luận chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng. Phải nắm chắc mục tiêu, quan điểm và bảy nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), Kế hoạch số 14-KH/TW ngày 25/3/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Thứ hai, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên trong Chi bộ về vai trò và tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, các thế lực thù địch, triển khai thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực, có sự lồng ghép với các hình thức giáo dục. Đồng thời đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thứ ba, tích cực nghiên cứu, cập nhật thông tin, nhận diện, vạch trần các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, thông tin xấu, độc và ngăn chặn hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các phương tiện thông tin điện tử.

Thứ tư, có thái độ dứt khoát, lập trường kiên định và tư duy sắc bén trong đấu tranh với những quan điểm, tư tưởng, hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước ta. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ, ngăn chặn, xử lý đúng pháp luật đối với các cá nhân lưu trữ, cung cấp, đăng tải, phát tán thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, nói xấu, kích động, chống phá trên internet, mạng xã hội.

Thứ năm, sử dụng lành mạnh internet và các trang mạng xã hội để phục vụ cho công tác chuyên môn và hoạt động thiết thực, đúng đắn. Mỗi đảng viên cần phải có trách nhiệm lan tỏa những thông tin chính thống, chất lượng, chuẩn mực. Nhân rộng những điều tốt, cổ vũ những mặt tích cực, có ý nghĩa xây dựng xã hội. Tự thân mỗi cán bộ, đảng viên xây dựng cho mình một cách tiếp cận thông tin nhạy bén, đảm bảo uy tín, chất lượng; đồng thời tăng cường học tập, trau dồi kiến thức, nâng cao nhận thức, năng lực về phân biệt, loại bỏ những thông tin xấu, độc hại, biết truyền bá những cái hay, cái tốt, những điều có ích cho xã hội và có động thái tích cực, không thờ ơ trong đấu tranh với các thông tin độc xấu trên không gian mạng.

Thứ sáu, quản lý chặt chẽ việc khai thác, sử dụng các trang thiết bị có kết nối mạng internet theo đúng quy định. Ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm làm lộ, lọt bí mật Nhà nước. Các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo mật thông tin, tài liệu, nhất là trong quá trình truy cập mạng xã hội; chủ động ngăn chặn, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm, không để các thế lực thù địch, phản động tạo cớ để tuyên truyền, bịa đặt, xuyên tạc… làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước.

Nhìn chung, các nhiệm vụ, giải pháp đều rất cần thiết nhưng quan trọng và quyết định hơn vẫn là sự chủ động trong rèn luyện bản lĩnh chính trị, tích cực học tập nâng cao trình độ, tu dưỡng phẩm chất đạo đức của mỗi cá nhân. Bởi đó chính là yếu tố cơ sở nền tảng để mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân chủ động, tích cực, tự giác tham gia có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, các quan điểm sai trái, thù địch vốn ngày càng phức tạp, khó khăn, lâu dài và cam go. Đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên internet và mạng xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, của hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên. Các chủ trương giải pháp cơ bản cần được triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và có hệ thống nhằm ngăn chặn, bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực phản động, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước ta.


Đồng chí Đỗ Hoàng Sâm chủ trì diễn đàn sinh hoạt Chi bộ phòng 7-9

Đồng thời tại kết luận, đồng chí Đỗ Hoàng Sâm đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của đảng viên trong việc chuẩn bị ý kiến để tham gia diễn đàn một cách nghiêm túc, có chất lượng. Đảng viên đã phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong thảo luận, góp ý. Thông qua diễn đàn lần này, Chi bộ sẽ tiếp tục cụ thể hóa nội dung để tổ chức các diễn đàn sinh hoạt chi bộ ngày càng đi vào chiều sâu, có hiệu quả hơn.

 

Tác giả: Nguyễn Thị Thành – Phòng 7 VKSND tỉnh Quảng Trị