Đang truy cập: 7856
Hôm nay: 6,520
Trong tháng: 80,337
Tổng lượt truy cập: 1,364,892
Công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm
Công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đây là hoạt động mở đầu của quá trình giải quyết vụ án hình sự nhằm phát hiện hành vi phạm tội. Trên cơ sở tiếp nhận tin báo, tố giác, cơ quan có thẩm quyền xác định có dấu hiệu tội phạm hay không để quyết định việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Trách nhiệm của Viện kiểm sát trong công tác này là kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, bảo đảm việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm của Cơ quan điều tra đúng pháp luật, đầy đủ; bảo đảm mọi tội phạm đều được phát hiện, khởi tố, điều tra và xử lý.
Hoạt động kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm của Viện kiểm sát có vị trí, vai trò và ý nghĩa tiên quyết để bảo đảm mọi hành vi phạm tội, người phạm tội đều được phát hiện và xử lý kịp thời, đúng pháp luật. Thực tiễn thực hành quyền công tố cho thấy, kiểm sát tốt việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm sẽ quyết định chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử những bước quan trọng để có thể khẳng định có hay không có hành vi tội phạm xảy ra, người nào thực hiện hành vi phạm tội, tính chất, mức độ và hậu quả do hành vi phạm tội đó gây ra như thế nào. Đồng thời, thông qua hoạt động này để có cơ sở khẳng định việc khởi tố là đúng người, đúng tội và bảo đảm các căn cứ để xử lý tội phạm, bảo đảm cho mọi hành vi phạm tội đều phải được xử lý theo quy định của pháp luật, tránh làm oan, sai và không bỏ lọt tội phạm. Kiểm sát tốt việc giải quyết tin báo và tố giác tội phạm sẽ giúp cho việc đồng ý hoặc hủy bỏ quyết định không khởi tố của Viện kiểm sát đối với Cơ quan điều tra chính xác và có căn cứ. Như vậy, có thể khẳng định hoạt động kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo tội phạm là một hoạt động không thể thiếu trong quá trình tố tụng hình sự vì nó bảo đảm cho việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và không bỏ lọt tội phạm.
Ở Việt Nam, pháp luật tố tụng hình sự chưa quy định rõ các quyền năng, biện pháp của Viện kiểm sát trong kiểm sát việc phân loại, xử lý tin báo, tố giác tội phạm. Mặc dù Điều 103 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định Viện kiểm sát kiểm sát tin báo, tố giác tội phạm, nhưng chưa có thông tư hướng dẫn làm như thế nào, các ngành cung cấp tin báo cho Viện kiểm sát ra sao, nên nhiều địa phương khó khăn, lúng túng trong hoạt động kiểm sát tin báo, tố giác tội phạm. Nhiều hành vi có dấu hiệu tội phạm ở các lĩnh vực kinh tế, sở hữu, môi trường chậm được khởi tố, điều tra; một số vụ chuyển xử lý hành chính dẫn đến bỏ lọt tội phạm…
Thực tế hiện nay, ngoài quy định tại Điều 103 của BLTTHS, chưa có bất cứ một văn bản pháp lý nào của Liên ngành Trung ương hướng dẫn cho việc thực hiện vai trò nhiệm vụ của Viện kiểm sát trong hoạt động kiểm sát việc giải quyết tin báo tố giác tội phạm, để hoạt động này được thực hiện một cách đồng bộ, dẫn đến cách hiểu về hoạt động này còn nhiều bất cập và tỷ lệ giải quyết còn hạn chế.
Tại khoản 3 và 4 Điều 103 BLTTHS năm 2003, quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và trách nhiệm của Viện kiểm sát đối với hoạt động này như sau: “Kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp…” (khoản 3 Điều 103 BLTTHS); và “Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết của Cơ quan điều tra đối với tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố” (khoản 4 Điều 103 BLTTHS). Như vậy, được hiểu là các cơ quan nhà nước khi giải quyết tố giác, tin báo tội phạm chỉ phải gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp (tương đương cấp huyện trở lên); Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm của cơ quan điều tra về tội phạm và kiến nghị khởi tố (được hiểu như tương đương cấp huyện trở lên).
Vậy, các quy định trên đã thu hẹp vai trò, chức năng của Viện kiểm sát so với vai trò, chức năng mà Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001) đã giao cho Viện kiểm sát đó là “Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp”. Theo Hiến pháp 1992 ở đâu có hoạt động tư pháp thì ở đó phải được kiểm sát để bảo đảm tính thống nhất trong việc giám sát quyền lực và bảo vệ lợi ích hợp pháp của công dân.
Hiện nay, Cơ quan điều tra còn có cơ quan cấp dưới đó là Công an cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là Công an cấp xã), một số hoạt động của Công an cấp này là hoạt động thuộc lĩnh vực tư pháp. Tại khoản 6 Điều 9 Pháp lệnh Công an xã của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 06/2008/PL-UBTVQH12 quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Công an xã đó là “Tiếp nhận, phân loại, xử lý theo thẩm quyền các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã…”. Tại Chương 2, Thông tư số 12/2010/TT-BCA của Bộ công an quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Công an xã đó là: “Nắm tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tiếp nhận, phân loại, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã”. Như vậy, hoạt động phân loại, xử lý các tin báo, vụ việc nêu trên của Công an xã là hoạt động tư pháp nhằm phân loại xử lý, tin báo và tố giác tội phạm thuộc lĩnh vực hình sự. Nhưng cho đến nay chưa có quy định nào giao cho Viện kiểm sát trực tiếp kiểm sát hoạt động nêu trên của Công an cấp xã nhằm bảo đảm cho việc tuân theo pháp luật và tránh bỏ lọt tội phạm.