Đang truy cập: 353
Hôm nay: 328
Trong tháng: 84,616
Tổng lượt truy cập: 1,592,521
Hiến pháp năm 1992 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sửa đổi, bổ sung ngày 28/11/2013 (sau đây gọi tắt là Hiến pháp năm 2013), có hiệu lực từ ngày 01/01/2014, là thành quả to lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, thể hiện ý chí, nguyện vọng và mơ ước của toàn dân tộc về một xã hội Xã hội chủ nghĩa tươi đẹp. Với hơn 26 triệu lượt ý kiến đóng góp xây dựng của nhân dân cả nước cũng như cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Hiến pháp thực sự là cuộc trưng cầu dân ý của toàn thể nhân dân Việt Nam. Hiến pháp đã tiếp thu toàn bộ tinh hoa dân tộc, thể hiện vị trí, tầm cao mới của nước Việt Nam trong thời đại mới. Là đạo luật gốc, đạo luật cơ bản, Hiến pháp là nền tảng pháp lí quan trọng để các nhà lập pháp Việt Nam xây dựng hệ thống pháp luật phù hợp với giai đoạn phát triển mới của Cách mạng Việt Nam, tạo tiền đề vững chắc cho sự vươn lên mạnh mẽ của đất nước Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.
Hiến pháp năm 2013 có rất nhiều chế định mới liên quan đến đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước; đặc biệt là chế định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân. Chế định này được quy định ở chương hai của Hiến pháp, thể hiện sự quan tâm, nhìn nhận mới của Đảng và nhân dân ta về con người – nguồn lực chính, cốt lõi để phát triển đất nước, xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để con người thực sự được sống trong sự bảo hộ của luật pháp, Hiến pháp đã đưa ra những chế định hết sức chặt chẽ, cụ thể nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Trong số đó có chế định tại Điều 31 về những nguyên tắc áp dụng trong lĩnh vực hình sự, tố tụng hình sự nhằm bảo vệ con người trước vòng xoáy tố tụng hình sự mà các cơ quan bảo vệ pháp luật - đại diện cho Nhà nước - thực hiện khi có tội phạm xảy ra:
“Điều 31 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định
1. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật.
2. Người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai. Trường hợp xét xử kín theo quy định của luật thì việc tuyên án phải được công khai.
3. Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm.
4. Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.
5. Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo quy định của pháp luật”.
Trước tiên, xét về toàn bộ nội dung Điều 31 của Hiến pháp, chúng ta thấy rằng đây là nội dung đã sửa đổi, bổ sung Điều 72 Hiến pháp năm 1992 theo hướng toàn diện hơn, cụ thể hơn và tiến bộ hơn. Nếu như Điều 72 Hiến pháp năm 1992 chỉ quy định về hai nội dung cơ bản đó là: Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và được bồi thường thiệt hại trong trường hợp oan, sai, người làm trái pháp luật trong việc áp dụng pháp luật hình sự phải bị xử lý nghiêm minh thì Hiến pháp năm 2013 đã được phát triển, mở rộng thành 5 khoản với nhiều nội dung khác nhau.
Bản chất của Điều 31 Hiến pháp năm 2013 là sự thể hiện việc áp dụng nhiều nguyên tắc tiến bộ trong khoa học luật tố tụng hình sự vào quá trình giải quyết vụ án hình sự. Những nguyên tắc này là sự ghi nhận, kế thừa của Đảng và Nhà nước ta đối với những văn minh, tiến bộ của nhân loại, của dân tộc đã đạt được trong hàng nghìn năm đấu tranh vì quyền và tự do của con người.
Nguyên tắc suy đoán vô tội
Nguyên tắc này được các nhà lập pháp tư sản xác lập, khẳng định trong các văn kiện pháp lý quan trọng và được cộng đồng quốc tế công nhận và áp dụng (Tuyên ngôn nhân quyền của Cách mạng tư sản Pháp năm 1789). Đặc biệt các nhà lập pháp Liên Xô - nhà nước Xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới - đã xác định nguyên tắc suy đoán vô tội tại Điều 60 trong bản Hiến pháp Liên Xô năm 1977(1): “Không ai bị coi là có tội trong việc thực hiện tội phạm và chịu hình phạt hình sự ngoài bản án của Tòa án và theo đúng quy định của pháp luật”. Điều 48 Hiến pháp Liên Bang Nga năm 1993(2) hiện hành quy định: “1. Bị can trong việc thực hiện tội phạm được coi là không có tội khi tội của họ chưa được chứng minh theo trình tự quy định của pháp luật và chưa có bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án; 2. Bị can không có trách nhiệm chứng minh sự vô tội của mình; 3. Những tranh cãi không khắc phục được về tội của bị can được giải thích có lợi cho bị can”.
Nguyên tắc suy đoán vô tội được đề cập và hoàn thiện từng bước trong các bản Hiến pháp Việt Nam năm 1946, 1959, 1980, 1992. So sánh nội dung quy định tại khoản 1 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 với phần thứ nhất Điều 72 Hiến pháp năm 1992 thì ta thấy có sự thay đổi như: Cụm từ “người bị buộc tội được coi là…” thay cho cụm từ “không ai bị coi là…” và bổ sung thêm cụm từ “cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định”. Đồng thời bỏ nội dung “và phải chịu hình phạt” trong Điều 72 Hiến pháp năm 1992.
Nguyên tắc suy đoán vô tội chứa đựng ba nội dung cơ bản sau đây:
1. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội có hiệu lực của Tòa án
Người bị buộc tội theo quy định trong khoa học luật tố tụng hình sự Việt Nam là những người bước đầu bị các cơ quan bảo vệ pháp luật như Cơ quan điều tra (trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và một số cơ quan được giao nhiệm vụ điều tra như: Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm và một số cơ quan khác trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân), Viện kiểm sát, Tòa án nghi là đã thực hiện tội phạm, họ có thể chưa bị khởi tố về hình sự như người bị bắt, bị tạm giữ hoặc có thể đã bị khởi tố về hình sự như bị can, bị cáo. Điểm chung cơ bản ở đây là những người này ở những mức độ khác nhau đang bị cáo buộc là người thực hiện hành vi phạm tội và đang nằm trong vòng tố tụng hình sự, chịu sự điều tra của các cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, những người này phải được luật pháp, những cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng khác coi là không có tội cho đến khi tội của họ được chứng minh theo trình tự tố tụng quy định của pháp luật và có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Việc chứng minh tội phạm theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam do các cơ quan tiến hành tố tụng và những người tiến hành tố tụng thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Cơ quan tiến hành tố tụng theo pháp luật tố tụng hình sự là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án; người tiến hành tố tụng là các Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án. Những cơ quan tố tụng và những người tiến hành tố tụng đã nêu trên có thẩm quyền và trách nhiệm tiến hành các hoạt động tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử nhằm thu thập chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của người bị buộc tội. Việc thu thập chứng cứ phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hạn… phải đảm bảo tính khách quan, toàn diện, đầy đủ và trong thời hạn luật định. Việc thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm và hành vi phạm tội không được xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác cũng như của người bị buộc tội như không được áp dụng các hình thức: Tra tấn, bạo lực, bức cung, nhục hình, dụ cung, lừa dối… Những chứng cứ thu thập được phải được các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng xem xét, đánh giá một cách toàn diện về tính khách quan, chân thực của chúng và phải phù hợp với các chứng cứ khác. Những chứng cứ không đáp ứng được các yêu cầu của pháp luật nêu trên sẽ được coi là không hợp pháp và không có giá trị để buộc tội.
Những chứng cứ chứng minh tội phạm và người phạm tội do các cơ quan tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng đưa ra phải được xem xét, điều tra trước Tòa án. Tòa án - Hội đồng xét xử - nhân danh Nhà nước, công lý phải mở phiên tòa công khai để thu thập, xem xét, đánh giá một cách công bằng, khách quan, toàn diện, đầy đủ và đúng đắn các chứng cứ buộc tội và gỡ tội đối với bị cáo. Việc thu thập, đánh giá chứng cứ của Hội đồng xét xử phải tuân theo trình tự, thủ tục chặt chẽ của phiên tòa hình sự. Trình tự, thủ tục đó thể hiện ở các quy định về thời hạn đưa vụ án ra xét xử, thành phần Hội đồng xét xử, trình tự xét hỏi, luận tội, tranh luận, đối đáp, nghị án và tuyên án,… Bản án được tuyên phải đánh giá được đầy đủ các chứng cứ chứng minh tội phạm và hành vi phạm tội của bị cáo, đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Hình phạt áp dụng đối với người phạm tội phải phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cũng như nhân thân người phạm tội. Bản án phải áp dụng đúng pháp luật hình sự đối với tội phạm và người phạm tội về tội danh, điều, khoản. Bản án có tội đã tuyên đối với người phạm tội phải không bị Viện kiểm sát nhân dân hoặc Tòa án kháng nghị, không bị bị cáo hoặc người khác có quyền theo quy định của pháp luật kháng cáo trong thời hạn luật định.
Và như vậy, chỉ sau khi bản án có hiệu lực pháp luật theo quy định thì người bị buộc tội mới bị coi là có tội.
2. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người bị buộc tội có quyền nhưng không có trách nhiệm chứng minh sự vô tội của mình.
Khi một tội phạm xảy ra thì phát sinh ra một quan hệ xã hội đặc biệt giữa một bên là Nhà nước - đại diện cho lợi ích xã hội, và một bên là người thực hiện hành vi phạm tội - người bị buộc tội. Bất kỳ một tội phạm nào cũng đều xâm hại đến một quan hệ xã hội nhất định được luật hình sự bảo vệ. Do vậy, các cơ quan bảo vệ pháp luật là các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng (đại diện cho Nhà nước) có trách nhiệm, nghĩa vụ chứng minh tội phạm nhằm tìm ra người phạm tội để giáo dục, trừng phạt, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm. Những người tiến hành tố tụng phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật vụ án một cách khách quan, toàn diện, và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết khác có liên quan. Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, việc chứng minh tội phạm và người phạm tội được thực hiện ngay từ khi phát sinh tội phạm hoặc có tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố. Chứng minh tội phạm là cả quá trình từ xác minh tố giác, tin báo về tội phạm đến điều tra, truy tố và xét xử. Trong trường hợp truy tố bị can ra xét xử, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải đưa ra được những chứng cứ chứng minh tội phạm một cách rõ ràng, xác thực làm căn cứ buộc tội một cách chắc chắn, đúng pháp luật, làm cơ sở cho việc xét xử của Tòa án. Do pháp luật tố tụng hình sự nước ta không có chế định “tư tố” nên người bị hại, người đại diện hợp pháp hoặc người bảo vệ quyền lợi cho bị hại không có thẩm quyền thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm. Họ có quyền đưa ra các tài liệu, đồ vật có liên quan đến tội phạm để cơ quan tiến hành tố tụng tiếp nhận, xem xét, đánh giá, và kết luận. Trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự thì người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày lời buộc tội tại phiên tòa. Người bị buộc tội không có trách nhiệm, nghĩa vụ chứng minh mình vô tội, tức là họ không bị bắt buộc phải trình ra các chứng cứ ngoại phạm hoặc các chứng cứ khác để chứng minh với các cơ quan bảo vệ pháp luật rằng họ vô tội. Bởi vì họ đương nhiên được coi là không có tội, nếu buộc tội họ thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm tìm ra chứng cứ để phục vụ cho việc kết tội. Do vậy, người bị buộc tội có thể không hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thu thập chứng cứ chứng minh việc phạm tội của mình. Người bị buộc tội cũng có thể im lặng trong suốt quá trình chứng minh tội phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Những hành vi nêu trên của người bị buộc tội không thể được coi là vi phạm pháp luật và không phải chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào. Tuy nhiên, người bị buộc tội có quyền chứng minh về sự vô tội của mình thông qua việc đưa ra lời khai, qua người làm chứng hoặc vật chứng có lợi cho mình hoặc các hình thức hợp pháp khác. Trong trường hợp người bị buộc tội tự nguyện phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc làm rõ những chứng cứ, tình tiết của tội phạm, họ được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi áp dụng hình phạt.
3. Những nghi ngờ hoặc tranh cãi về pháp luật và chứng cứ được giải thích theo hướng có lợi cho người bị buộc tội.
Quá trình tố tụng hình sự là những giai đoạn tiếp nối nhau và kết thúc bằng phiên tòa xét xử hình sự của Tòa án. Trong quá trình tố tụng hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét, giải quyết một loạt vấn đề để trả lời các câu hỏi: Có tội phạm xảy ra hay không? Ai là người thực hiện tội phạm? Nguyên nhân, động cơ, mục đích của tội phạm? Công cụ, phương tiện phạm tội? Hậu quả của tội phạm…? Quá trình đi tìm sự thật khách quan đó không tránh khỏi khó khăn, vướng mắc khi có những nghi ngờ hoặc tranh cãi về pháp luật, chứng cứ. Do vậy, khi có nghi ngờ, tranh cãi về quy định của pháp luật (do văn bản quy phạm pháp luật quy định không rõ ràng, chưa có văn bản dưới luật hướng dẫn hoặc chuyển giao hiệu lực giữa các văn bản quy phạm pháp luật,…) hoặc chứng cứ, thì theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, những nghi ngờ đó được giải thích có lợi cho họ. Điều đó có nghĩa là những người tiến hành tố tụng phải sử dụng những quy định pháp luật, những chứng cứ theo hướng có lợi (gỡ tội) để áp dụng, dồn về cho người bị buộc tội để họ được hưởng những lợi ích đó nhằm gỡ tội, chứng minh mình vô tội. Ví dụ: Khi không có căn cứ rõ ràng chứng minh người bị buộc tội sinh vào tháng 7 hoặc tháng 12 trong năm thì phải công nhận họ sinh vào tháng 12 của năm đó. Điều này có thể sẽ dẫn đến việc họ vô tội do chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thể sử dụng tất cả những chứng cứ đã thu thập được trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử để truy tố, buộc tội bị can, bị cáo và đề nghị áp dụng hình phạt. Tòa án trên cương vị là cơ quan xét xử, có quyền đưa ra quyết định cuối cùng về tội của người bị buộc tội, do vậy trách nhiệm áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội dồn nặng lên vai của Hội đồng xét xử. Trong suốt quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án đến khi nghị án, cả trong trường hợp Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo trong việc thực hiện tội phạm, Hội đồng xét xử vẫn phải tôn trọng tuyệt đối nguyên tắc suy đoán vô tội đối với bị cáo. Trong một chừng mực nào đó, Hội đồng xét xử không được quá coi trọng những chứng cứ buộc tội được thu thập trong quá trình điều tra, truy tố và lời buộc tội của Kiểm sát viên, của người bị hại trước tòa. Các thành viên Hội đồng xét xử khi nghị án để ra phán quyết cuối cùng phải căn cứ vào những chứng cứ đã được thu thập trong quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa, kết quả tranh luận của Kiểm sát viên, lời bào chữa của luật sư, bị cáo, lời buộc tội của bị hại, người đại diện hợp pháp của bị hại. Đánh giá chúng một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, đúng pháp luật, từ đó đưa ra phán quyết cuối cùng về có tội hoặc không có tội đối với người bị buộc tội.
Nguyên tắc xét xử kịp thời, công bằng, công khai
Nguyên tắc này được quy định tại khoản 2 Điều 31 Hiến pháp với nội dung người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai. Trường hợp xét xử kín theo quy định của luật thì việc tuyên án phải được công khai. Nội dung của nguyên tắc này là sự kế thừa, phát triển của Hiến pháp năm 1992. Theo nguyên tắc này, người bị buộc tội đang bị các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố về một hoặc nhiều hành vi phạm tội. Do vậy, họ rất cần và trông đợi vào sự phán quyết cuối cùng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đó là Tòa án về việc họ có phạm tội hay không? Nếu có thì là tội gì? Hình phạt nào được áp dụng…; đồng thời, người bị buộc tội cũng mong muốn được Tòa án, nhân danh Nhà nước, công lý đem lại sự công bằng cho họ thông qua việc xét xử và được trình bày quan điểm bào chữa một cách công khai, mong muốn chấm dứt một quá trình tố tụng vô cùng căng thẳng và có nhiều thiệt hại. Việc Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai là sự bảo đảm quyền lợi cho người bị buộc tội được xét xử trong một thời hạn nhất định, được hưởng sự công bằng như tất cả những người phạm tội khác và công khai trong một phiên tòa có nhiều cơ quan nhà nước cùng tham gia và nhiều người tham dự. Sự công bằng thể hiện ở việc tất cả người bị buộc tội, không phân biệt là công dân Việt Nam hay người nước ngoài, nam, nữ, tín ngưỡng, tôn giáo, địa vị xã hội, kinh tế… đều được xét xử theo những quy định chung của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự Việt Nam. Phiên tòa hình sự được tiến hành một cách công khai với sự tham dự không hạn chế của mọi người quan tâm, cho phép tất cả người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự đều được tiếp cận với những cáo buộc, những tranh luận, đối đáp, bào chữa của các bên buộc tội và gỡ tội. Sự tham gia của những người nêu trên bảo đảm cho việc xét xử được minh bạch, rõ ràng, khách quan trong thu thập, xem xét, đánh giá chứng cứ, trình bày quan điểm và áp dụng pháp luật. Chỉ trong những trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc theo yêu cầu chính đáng của người tham gia tố tụng thì Tòa án xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai. Tất cả nguyên tắc trên cho phép loại bỏ sự tùy tiện của Tòa án, những ngưỡi tiến hành tố tụng trong việc kéo dài thời hạn xét xử, áp dụng pháp luật hoặc những thiên vị cá nhân trong quá trình xét xử.
Nguyên tắc không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm
Nguyên tắc này lần đầu tiên được quy định trong một bản Hiến pháp của nước ta, tại khoản 3 Điều 31 Hiến pháp. Tuy nhiên, nội dung nhân đạo này đã được Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định tại khoản 4 Điều 107 như sau: “Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:… 4. Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật”. Một người khi thực hiện một tội phạm tức là đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội và gây ra thiệt hại đáng kể cho một quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Do đó, họ phải chịu trách nhiệm hình sự, hình phạt về tội phạm mà họ đã gây ra. Bản án đã tuyên (kết án) đã có hiệu lực pháp luật là sự thể hiện quan điểm của Nhà nước đối với hành vi phạm tội và trong trường hợp có tội, bản án đưa ra một hình phạt cụ thể trong hệ thống hình phạt của Bộ luật Hình sự để áp dụng đối với người phạm tội. Do vậy, người phạm tội khi đã bị xét xử về tội phạm do mình thực hiện và đã có bản án có hiệu lực pháp luật thì không phải chịu thêm bất kỳ một sự kết án nào khác về tội phạm đó. Trong trường hợp đã khởi tố, điều tra, truy tố về tội phạm trên thì vụ án phải được đình chỉ. Nguyên tắc này thể hiện sự nhân đạo, chính nghĩa, công bằng trong pháp luật hình sự.
Nguyên tắc người bị buộc tội có quyền bào chữa, được bào chữa
Nguyên tắc này được quy định tại khoản 4 Điều 31 Hiến pháp, bảo đảm cho người bị buộc tội có quyền được tự mình bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Nội dung bào chữa rất đa dạng, từ việc đưa ra các lập luận, chứng cứ để chứng minh sự vô tội hoàn toàn, vô tội một phần hoặc làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự của mình. Quyền bào chữa, được bào chữa cho phép người bị buộc tội có chỗ dựa về pháp lý, tinh thần, kiến thức, niềm tin để công khai đứng ra bảo vệ mình, chống lại sự cáo buộc có tội của bên buộc tội. Việc bào chữa có mục đích bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người phạm tội không chỉ trong vấn đề trách nhiệm hình sự, hình phạt mà cả trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khác mà luật pháp không tước bỏ. Người bị buộc tội có quyền bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa kể từ khi bị tạm giữ, bị khởi tố về hình sự, tức là từ khi có quyết định khởi tố bị can, trở thành bị can trong vụ án hình sự đến khi bị đưa ra xét xử, trở thành bị cáo. Đối với những vụ án mà hành vi phạm tội của bị can, bị cáo bị buộc vào tội phạm có mức hình phạt cao nhất là tử hình hoặc là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì bắt buộc phải có người bào chữa cho họ, cả trong trường hợp họ không thuê người bào chữa. Trong trường hợp này, trách nhiệm cử người bào chữa thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Ngoài ra, việc áp dụng nguyên tắc này bảo đảm cho việc khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, việc buộc tội đối với bị can, bị cáo phải có căn cứ vững chắc và đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại trong trường hợp oan, sai và trách nhiệm của người làm oan, sai
Để bảo đảm những quy định của Hiến pháp, pháp luật tố tụng hình sự được thực hiện một cách triệt để, tránh việc buộc tội oan, sai, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của con người, khoản 5 Điều 31 Hiến pháp quy định việc bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự cho những người bị buộc tội, bị thi hành án oan, sai. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại được áp dụng cho các đối tượng gồm người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và người chấp hành án trong trường hợp họ bị áp dụng các biện pháp hình sự trái pháp luật. Đó là việc áp dụng các quyết định trái pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc hành vi tố tụng trái pháp luật của người tiến hành tố tụng. Trong trường hợp quyết định trái pháp luật thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh sau khi quyết định đó bị hủy bỏ bởi một quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc áp dụng quyết định hoặc hành vi trái pháp luật đã gây ra thiệt hại về vật chất, tinh thần hoặc danh dự cho người bị buộc tội, người chấp hành án. Mức độ thiệt hại nhiều hay ít tùy thuộc vào hành vi trái pháp luật hoặc quyết định và việc thực hiện quyết định trái pháp luật. Người bị thiệt hại có quyền yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng nhà nước bồi thường theo mức độ thiệt hại thực tế đã gây ra. Việc bồi thường có thể được giải quyết thông qua thương lượng giữa các bên hoặc thông qua phán quyết của Tòa án. Việc xử lý những người vi phạm pháp luật trong quá trình tố tụng, thi hành án gây thiệt hại cho người khác nhằm bảo đảm việc tuân thủ pháp luật, tôn trọng con người của những người tiến hành tố tụng, loại bỏ sự tùy nghi áp dụng pháp luật hình sự trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, bảo đảm không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.
Tuân thủ chặt chẽ và thực hiện triệt để các nguyên tắc trong Điều 31 cùng những nguyên tắc khác của Hiến pháp năm 2013 là trách nhiệm, nghĩa vụ của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, góp phần tích cực vào việc đưa Hiến pháp vào cuộc sống xã hội, bảo đảm pháp luật xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của con người, đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân./.