Đang truy cập: 1726
Hôm nay: 763
Trong tháng: 69,041
Tổng lượt truy cập: 1,158,126
Nội dung vụ án:
Ngày 17/7/2020, Nguyễn Văn A, sinh năm
1993 thực hiện hành vi trộm cắp tài sản dưới 2.000.000 đồng và bị Công
an Thành phố H, tỉnh T xử phạt vi phạm hành chính bằng hình
thức phạt tiền 1.500.000 đồng theo điểm a khoản 1 Điều 15 Nghị định 167 ngày 12/11/2013 của Chính phủ. Nguyễn Văn A chưa thi hành quyết định xử phạt hành chính nhưng
không bỏ trốn và các cơ quan có thẩm quyền cũng không tổ chức thi hành quyết
định xử phạt hành chính đối với Nguyễn Văn A.
Ngày
20/6/2021, Nguyễn Văn A lại thực hiện hành vi trộm cắp tài sản trị giá 1.300.000 đồng nên bị cơ
quan CSĐT Công an Thành phố H, tỉnh T khởi tố, điều tra đối với A về tội “Trộm cắp tài sản” theo điểm a Khoản 1 Điều 173 BLHS. Bị can được áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”. Trong
thời gian chờ kết quả điều tra, ngày 25/7/2021, Nguyễn Văn A tiếp tục có hành vi trộm cắp tài sản trị giá
1.200.000 đồng tại địa bàn huyện P, tỉnh Q và đã bị các cơ quan tiến hành tố
tụng huyện P, tỉnh Q khởi tố, điều tra đối với A về tội “Trộm cắp tài sản” theo điểm a Khoản 1 Điều 173 BLHS.
Xét thấy, các cơ quan tiến hành tố
tụng tại Thành phố H, tỉnh T truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A về tội “Trộm cắp tài sản”, là có căn cứ và phù
hợp quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 173 BLHS.
Khoản 1 Điều 173 BLHS quy định:“…Người nào trộm cắp tài sản của người khác
trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc trường hợp sau đây thì bị phạt cải tạo
không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
a). Đã bị xử phạt
vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm”.
Điều cần trao đổi thêm đối với vụ án là:
Các cơ quan tiến hành tố tụng tại huyện P, tỉnh Q khởi tố, điều tra đối với
Nguyễn Văn A về hành vi trộm cắp tài sản vào ngày 25/7/2021có phù hợp pháp luật
không. Hiện có nhiều quan điểm chưa thống nhất. Cụ thể:
- Quan điểm thứ nhất: Khẳng định việc các cơ quan tiến hành tố tụng
huyện P, tỉnh Q khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn A về tội: “Trộm cắp tài sản” xảy ra vào ngày
25/7/2021 theo điểm a Khoản 1 Điều 173 BLHS là không có căn cứ. Lý do:
Thứ
nhất, Nguyễn Văn A trộm cắp tài sản dưới 2.000.000 đồng, không thuộc trường
hợp “Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về
hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm” hoặc “ Đã bị kết án về tội này…chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”. Vì
tiền sự của Nguyễn Văn A vào ngày 17/7/2020 đã được các cơ quan tiến hành tố
tụng thành phố H, tỉnh T xem xét là dấu
hiệu cấu thành tội phạm của lần trộm cắp ngày 20/6/2021 rồi, nên không được
tính để xác định làm yếu tố cấu thành tội phạm (vào ngày 25/7/2021) thêm một
lần nữa.
Thứ
hai, hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định một tiền sự được sử
dụng làm tình tiết định tội bao nhiêu lần, nên áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị
can, bị cáo, không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Văn A về hành vi
trộm cắp tài sản xảy ra vào ngày 25/7/2021 tại địa bàn huyện P, tỉnh Q mà chỉ
xử phạt hành chính và xem xét về nhân thân khi xử lý.
- Quan điểm thứ hai: Hành vi trộm cắp tài sản vào ngày 25/7/2021 của Nguyễn Văn A
tuy trị giá dưới 2.000.000 đồng và thời hiệu thi hành quyết định xử phạt hành
chính tính từ ngày 17/7/2020 đã quá 01 năm nhưng vẫn hội đủ các yếu tố cấu
thành tội phạm “Trộm cắp tài sản”. Do
thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với A được tính
lại từ ngày 20/6/2021, nên tiền sự ngày 17/7/2020
vẫn được tính để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A. Các cơ quan tiến hành
tố tụng huyện P, tỉnh Q khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn A, về
tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định
tại điểm a Khoản 1 Điều 173 BLHS là có căn cứ và phù hợp pháp luật.
Mặt khác, hiện chưa có văn bản quy
phạm pháp luật nào quy định một tiền sự được sử dụng làm tình tiết định tội bao
nhiêu lần, nên tiền sự ngày 17/7/2020 của Nguyễn Văn A có thể xem xét áp dụng nhiều
lần nếu A tiếp tục thực hiện hành vi trộm cắp tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng
và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại các địa bàn mà Nguyễn Văn A đã thực
hiện hành vi trộm cắp tài sản.
-
Quan điểm thứ ba: Thống nhất với quan điểm thứ hai. Tuy nhiên, không cần thiết phải xử lý bằng một vụ án độc lập mà có
thể áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo. Sau khi khởi tố vụ án, khởi
tố bị can các cơ quan tiến hành tố tụng huyện P, tỉnh Q chuyển vụ án đến các cơ
quan tiến hành tố tụng thành phố H, tỉnh T để xử lý trong cùng một vụ án là hợp
lý.
Tôi đồng ý với quan điểm thứ ba. Mong
các đồng nghiệp cùng trao đổi./.
Tác giả: Lê
Quang Anh – Đơn vị Thanh tra VKSND tỉnh Quảng Trị
- VKSND tối cao hướng dẫn lập 05 loại Hồ sơ kiểm sát
- Hướng dẫn hoạt động phát biểu của Kiểm sát viên
- Hiểu đúng về “Đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn” quy định tại khoản 2 Điều 113 Bộ luật tố tụng hình sự 2015
- Bàn về giải quyết khiếu nại Cáo trạng, quyết định truy tố của Viện kiểm sát theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
- Nhiều ý kiến khác nhau về việc giải quyết việc dân sự phát sinh khi đang giải quyết vụ án dân sự